(LĐCT) - Dường như nền giáo dục VN chưa có sự đào tạo chính quy về sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu, quảng bá văn hoá truyền thống nói chung, văn hoá vùng miền nói riêng, nên luôn bị thiếu những chuyên gia, những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.
Trong thực trạng ấy, xứ Nghệ vẫn có một bậc thức giả được coi là nhà Nghệ học, vào tuổi 84 ông vẫn không có học vị học hàm!
Tấm bằng cao nhất nhà Nghệ học Thái Kim Đỉnh có được chỉ là tiểu học. Nhưng với quá trình hơn 60 năm tự đào luyện ông là bậc chuyên gia, đã góp cho quê hương nhiều công trình giá trị: "Năm thế kỷ văn nôm người Nghệ", "Cá gáy hoá rồng", "Địa chí Can Lộc", "Địa chí Đức Thọ", "Địa chí Vũ Quang", "Làng cổ Hà Tĩnh", "Lễ hội Hà Tĩnh", "Thành Sen - 160 năm", "Bãi Vọt đối diện với lịch sử", "Khoa bảng Hà Tĩnh" v.v...
Nếu chỉ có tấm bằng tiểu học không thôi, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cũng chỉ thêm một người bình thường tên là Thái Kim Đỉnh giữa muôn vàn cuộc đời bình thường khác. Nhờ Học bất yếm (học không biết chán), từ một "kẻ sĩ làng" thạo Hán-Nôm, ông trở thành nhà Nghệ học.
Ông còn là nhà báo, nhà thơ bút danh Vũ Hoàng. Ham học, ham làm, không tham danh, tham lợi. Quan tâm, tôn trọng mọi người, sẵn sàng sẻ chia với mọi người nhất là lớp trẻ, ông là tấm gương tự học thành công để giới cầm bút thế hệ sau noi theo.
Xin ông nói về công tác sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu văn hoá xứ Nghệ trong mấy chục năm qua của mình!
- Đừng gọi tôi là nhà Nghệ học, tôi chỉ là một thành viên trong đội ngũ khá đông đảo làm công việc này, nên để có một nhận xét cho câu hỏi trên là quá sức. Tôi không đủ thẩm quyền. Giá như cụ Nguyễn Đổng Chi còn sống hẳn là người có thẩm quyền cao nhất về việc này, hoặc như ông Vũ Ngọc Khánh, ông Ninh Viết Giao trả lời có lẽ trúng hơn. Nhưng tôi mạnh dạn có một vài ý nhỏ.
Noi gương các tiền bối, chúng ta đã cùng nhau lại làm được khá nhiều việc, nhất là công tác sưu tầm văn hoá dân gian, văn hoá bác học, với hàng trăm tập sách khác nhau đã được tập hợp xuất bản, là nguồn tư liệu cơ bản rất quý đối với các thế hệ sưu tầm, nghiên cứu kế tiếp. Chúng ta chỉ mới làm được một phần công việc sưu tầm, còn việc khảo cứu, nhất là nghiên cứu thì chưa được bao lăm.
Vì có tham gia chút ít nên tôi mạo muội rằng, di sản văn hoá dân gian văn hoá bác học của xứ Nghệ phong phú lắm, có lẽ chẳng thua gì tứ trấn, và đóng góp rất nhiều vào văn hoá Thăng Long. Tuy nhiên đến nay cũng chỉ mới chủ yếu làm được công đoạn sưu tầm thôi. Sưu tầm được nhiều để khỏi mất đi theo năm tháng cũng đã là rất quý, nhưng khó khăn hơn quan trọng hơn là việc nghiên cứu về vốn di sản đó.
Cụ thể một số vấn đề là...
- Như đã nói, chúng ta chỉ mới tập trung và đã làm được nhiều việc về vấn đề sưu tầm. Đã sưu tầm, văn bản hoá, hệ thống hoá được nhiều văn học dân gian, nhưng vẫn còn bỏ ngỏ các lĩnh vực như tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán v.v Chúng ta chỉ mới tập trung chủ yếu folklore của người Kinh, folklore của đồng bào các dân tộc thiểu số làm được ít lắm.
Trầm tích folklore của xứ Nghệ dày lắm, chúng ta chưa thể xác định được hết chiều sâu và bề rộng của khối trầm tích có thể nói là khổng lồ này. Mà theo quy luật, di sản văn hoá theo năm tháng sẽ được tích tụ thêm, phong phú hơn, đa dạng hơn giàu có hơn. Những tri thức mới của cộng đồng hôm nay sẽ dần đi vào lịch sử và bổ sung vào trầm tích folklore xứ sở trong tương lai.
Phải chăng các lớp các tầng phía trên sẽ che phủ các lớp các tầng phía dưới, và như vậy chúng ta khó tiếp cận hơn, khó thấy hơn, do đó khó sưu tầm nghiên cứu các tầng vỉa folklore có niên đại xa hơn ở phía dưới?
- Thường là vậy nhưng không hẳn đã là vậy, bởi văn hoá có quy luật tồn tại và phát triển riêng, nó phụ thuộc vào các cộng đồng. Những yếu tố nào đã trở thành chuẩn mực, thành thị hiếu của cộng đồng thì tồn tại bền vững hơn, được thể hiện thường xuyên và nhiều hơn trong cuộc sống của cộng đồng, và vì vậy có thể được hình thành sớm nhưng không chìm sâu hơn, thậm chí lại lộ thiên trong đời sống văn hoá cộng đồng.
Công việc sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu folklore là không bao giờ hết, là vô cùng vô tận. Chỉ có điều là có ai làm không, làm cái gì và làm như thế nào thôi.
Phải chăng đội ngũ sưu tầm, nghiên cứu folklore xứ Nghệ đang không ngừng mỏng dần?
- Phải có người làm, và biết làm mới ra việc, đương nhiên để làm cho hay thì cần phải đam mê, phải có kiến thức, phải có sự cộng tác với nhau, phải có tổ chức. Và trong điều kiện cơ chế hiện nay phải có nguồn lực vật chất nữa. Hầu như những điều kiện đó chúng ta đều đang thiếu. Có những mặt thiếu trầm trọng, trừ tổ chức.
Cách nay mấy chục năm ở Nghệ An, Hà Tĩnh, sau đó là Nghệ Tĩnh, từ khi có Hội Văn nghệ thì trong tổ chức này đã có tiểu ban, tiểu tổ văn nghệ dân gian. Từ khi tách tỉnh thì lại có Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An và Chi hội Văn nghệ dân gian bên Hà Tĩnh. Trước đây trong các ty văn hoá đều có phòng hoặc tổ sưu tầm văn hoá dân gian, ở trung ương thì có Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hoá dân gian...
Có ý kiến rằng, đội ngũ sưu tầm, nghiên cứu folklore xứ Nghệ hiện nay vừa mỏng vừa già, nếu không được bổ sung thì khoảng mươi lăm năm nữa dễ chừng...
- Điều đó dễ xảy ra lắm. Tôi thấy ở Hà Tĩnh (và hình như ở Nghệ An nữa), công việc xương xẩu này chủ yếu những người già làm. Nhóm địa phương học của Hà Tĩnh chúng tôi, người trẻ nhất cũng đã 75 tuổi! Trong Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh có những người trẻ hơn nhưng họ làm công việc này rất ít.
Một phần họ lo công việc hàng ngày của cơ quan, của gia đình, một phần hình như họ thiếu đam mê, và có lẽ quan trọng là việc làm nhiều hưởng ít nên không mấy người mặn mà. Ý này là tôi nói ở Hà Tĩnh thôi, bên Nghệ An tôi không biết không dám nói.
Nhìn chung là thế, thực tế vẫn có không ít bạn trẻ ham thích công việc này, có những người được đào tạo khá bài bản, có hệ thống ở trong nhà trường. Tuy nhiên giữa học và hành, giữa thích và đam mê, giữa khó khăn và thuận lợi, là một khoảng cách lớn buộc người ta phải lựa chọn, và nếu quyết tâm đi vào con đường này thì phải nỗ lực rất lớn để vượt qua. Có dám chấp nhận được vất vả và nghèo khó thì hãy quyết tâm với công việc này. Tôi nói vậy là chiêm nghiệm từ cuộc đời mình. Trước đây cũng vậy và từ nay về sau có lẽ cũng vậy.
Làm cái nghề này không chỉ học trong các nhà trường là đủ, là đã có thể làm việc được, phải tích luỹ kiến thức thực tế, muốn vậy cần phải lăn lộn trong thực tế, phải có người giúp họ thâm nhập, thực hành công việc trong thực tế. Đó là những việc theo tôi là khó vô cùng. Tôi thấy cái khó này đến ít nhất từ ba phía. Người trẻ, người già (tôi tạm gọi vậy), và tổ chức.
Người trẻ thì thiếu tri thức và kinh nghiệm thực tế, người già thì sức khoẻ và điều kiện làm việc có phần hạn chế, thông tin học thuật, nghề nghiệp ít được cập nhật hơn. Về tổ chức thì khó nhiều thứ, từ đội ngũ đến cơ cấu, từ kinh phí đến phương tiện...
Tôi thấy nhìn vào đâu cũng thấy khó, không ít thì nhiều. Và có một cái khó rất quan trọng nữa là chúng ta thiếu ngọn cờ đầu, thiếu người tiên phong, thiếu người có khả năng và tâm huyết để tập hợp đội ngũ. Đây phải là những người có tài, có tri thức, kinh nghiệm, có tâm huyết có tấm lòng bao dung, rộng lượng và đàng hoàng, nhất là đối xử với đồng nghiệp và lớp trẻ. Nghệ - Tĩnh hiện nay đang thiếu những con người như thế.
Nhân nói về những người tiên phong những ngọn cờ đầu trong lĩnh vực folklore xứ Nghệ, lại nhớ lâu nay còn có ý kiến khác nhau về tính cách người Nghệ - Tĩnh. Có lần ông đưa ra ý kiến riêng của mình về vấn đề này, ông có nhận xét gì mới không?
- Tôi vẫn thấy ý kiến của mình là có cơ sở. Ngoài những đặc điểm tính cách như nhiều người đã nhận xét, cả mặt mạnh, mặt tốt và mặt yếu, mặt hạn chế, tôi vẫn thấy người Nghệ (ở đây thường bao bàm cả vùng Nghệ - Tĩnh) luôn là những người cực đoan nhất, cái gì, lúc nào cũng muốn đẩy sự việc đến giới hạn cuối của nó.
Cái tính cách này có mặt được của nó nhưng cũng có mặt hạn chế của nó. Nhiệt tình, năng nổ nhưng cũng dễ dẫn đến quá đà, quá tả... Với tất cả những đặc điểm tính cách mà trước đây nhiều người đã nhận xét, trong đó có tôi, người quê ta muốn phát chí, phát tài, muốn nên sự nghiệp lớn đều phải có sự tác động của khách quan, phải có một môi trường ngoài không gian Nghệ để hoặc hình thành, hoặc thể hiện tài năng và trí tuệ của mình.
Nhưng tôi cũng xin nói là không chỉ riêng xứ Nghệ mà ở đâu cũng vậy, có người thế này người thế khác, tốt hay xấu đều có cả, chỉ có điều là mức độ và tỉ lệ như thế nào để có thể quy nạp lại thành cái phổ biến (cũng là tương đối) của cộng đồng mà thôi. Có ai dám nói người Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội hay các vùng các xứ khác hoàn toàn là tốt, là hay, là đẹp cả đâu.
Được biết Nghệ An và Hà Tĩnh dành kinh phí cho lĩnh vực này vẫn ở mức khá, cụ thể phân bổ thế nào thưa ông?
- Tôi không phủ nhận việc cố gắng đầu tư kinh phí, hình như cả hai tỉnh đều chủ yếu dành cho xuất bản, quảng bá, và cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu folklore, nhưng mà ít thôi, rất ít so với các lĩnh vực nghiên cứu khác. Vả lại, hình như có tình trạng nước chảy chỗ trũng "kẻ tiêu không hết, người tìm không ra". Tôi thuộc dạng nhát gan nên không mấy khi dám xin xỏ điều gì, nhất là xin dự án... trong thời buổi "loạn giá" này.
Cảm ơn ông, xin được chia sẻ với nhận xét của ông.