Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Hà Tĩnh: Thêm nhiều tư liệu về Phó bảng Nguyễn Xuân Đàm

xem thêm

Ngọt ngào hương đất, tình người Hương Sơn

Hương Sơn, mảnh đất sơn thuỷ hữu tình, địa linh nhân kiệt của quê hương Hà Tĩnh. Nơi đây đã sinh ra những danh nhân kiệt xuất như Đại danh y Lê Hữu Trác, danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện, Cao Thắng, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, nhà văn hoá Nguyễn Khắc Viện…


Hương Sơn còn nổi tiếng với những địa danh như núi Thiên Nhẫn, thác Xài Phố, suối nước nóng Sơn Kim…Về Hương Sơn, du khách sẽ được thưởng thức những đặc sản tuyệt vời như cam bù, bưởi đường, mật ong rừng, nhung hươu, nước chè xanh, kẹo cu đơ… Hương Sơn, mảnh đất ai đã một lần đến sẽ mãi lưu luyến bởi hương đất tình người nơi đây.

Cây lá mùa xuân đua sắc thắm tươi trên mộ Đại danh y Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung, người con của Hương Sơn mà tên tuổi đã trở thành huyền thoại bất tử, thành biểu tượng lớn về đạo đức và tài năng của người thầy thuốc. Năm 2011 là năm kỉ niệm 220 năm ngày mất của ông.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cùng lãnh đạo Bộ Y tế, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Hải Thượng Lãn Ông trên núi Cánh Diều, xã Sơn Trung.

Cam bù Hương Sơn, đặc sản đã thành thương hiệu nổi tiếng với vị ngọt thanh, bổ dưỡng và màu sắc, hương thơm quyến rũ được xem là “đệ nhất danh quả”. Không chỉ là trái cây thơm ngon, cam bù còn là vị thuốc quý. Những vườn cam bù trĩu quả hứa hẹn một cái Tết ấm no cho các gia đình.

Những đồi, vườn chè bát ngát không chỉ tạo nên sản phẩm chè xanh ngon hiếm nơi nào sánh kịp, mà còn tạo nên những bức tranh nghệ thuật với giá trị tạo hình, thẩm mĩ tuyệt vời cho phong cảnh quê hương.

Bát nước chè xanh sóng sánh càng trở nên ngọt ngào, bổ dưỡng nếu được pha thêm ít mật ong rừng nguyên chất, cũng là một đặc sản của miền sơn cước này. Trong ảnh là một tổ ong rừng ứ đầy mật, kết tinh từ vô số tinh chất phấn hoa, mật hoa rừng và hàng triệu chuyến bay của những chú ong cần mẫn.

Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến hươu sao Hương Sơn, loài thú hiền lành đã được người dân đem về nhà nuôi hàng trăm năm nay, chắt chiu dâng tặng con người nhung hươu, một dược phẩm đại bổ dưỡng. Giá 1 kg nhung hươu hiện tại từ 10 – 12 triệu đồng.
Hươu sao được thuần dưỡng rất thân thiện với con người

Với vẻ đẹp hoang sơ và dòng nước ấm áp, có nhiều khoáng chất quí hiếm, suối nước nóng Sơn Kim, địa chỉ du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mà mọi du khách không thể bỏ qua khi đến Hương Sơn.

Từ nguồn nước suối này đã làm nên thương hiệu nước khoáng Sơn Kim nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc

Về Hương Sơn, mời bạn ghé thăm làng nghề mây tre đan Sơn Thịnh với truyền thống hàng trăm năm, xem những sản phẩm thủ công kết tinh sự công phu, tỉ mỉ và tài hoa của người lao động.

Một thiếu nữ ở Sơn Long đang khéo léo kết từng sợi cói mỏng manh thành những chiếc quạt lá xinh xắn cho du khách dạo chơi trong những ngày hè nắng nóng. Bàn tay người đan kết những bông hoa.

Hương Sơn ngày nay đang từng bước chuyển mình vào quỹ đạo hiện đại hoá, công nghiệp hoá với cả nước. Nhưng mảnh đất này vẫn còn lưu giữ những vẻ đẹp nguyên sơ làm say đắm lòng người. Trong ảnh: Nét chợ quê xưa trên vùng biên giới cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.Xuân này, mời bạn về thăm Hương Sơn!
                                                                 Minh Lý – Quang Đại – Hà Vy
                                                                                                                     (thực hiện tháng 1/2011)

http://hatinh24h.com.vn/ngot-ngao-huong-dat-tinh-nguoi-huong-son/

Không bao giờ trăng khuyết (Thơ Lê Cảnh Nhạc)


                          Không bao giờ trăng khuyết
Đã qua ngày trăng tròn
Nhưng mãi mãi không bao giờ trăng khuyết
Câu thơ neo nhịp cầu giã biệt
Bao giờ anh dắt em sang?

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

B.S Nguyễn Khắc Viện đã dịch “Truyện Kiều” như thế nào? (Trung Sơn, VHNA)

Tuyệt tác “Truyện Kiều” đã đến với đông đảo bạn đọc thế giới từ lâu nhờ các bản dịch, trong đó tiếng Pháp có lẽ là ngôn ngữ có nhiều dịch giả nhất, nhưng bản dịch của BS. Nguyễn Khắc Viện (BSNKV) được nhiều người đánh giá là thành công nhất (theo GS. Vũ Ngọc Khánh). Bản dịch đã được tái bản nhiều lần và từ bản dịch này, dịch giả một số nước đã chuyển tiếp sang các ngôn ngữ khác. Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhận xét: “Bản dịch Kiều sang tiếng Pháp của Anh (Viện) đề ra một quan niệm dịch thuật khá độc đáo.” Nhà văn-dịch giả Đỗ Lai Thúy đã viết: “Bản dịch Truyện Kiều của ông đã vượt bóng những người đi trước như Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Xuân Phúc và Xuân Việt… để tỏa sáng. Không nệ vào điển cố, đi tìm một sự “tương ứng” sâu xa, Ông đã làm cho nàng Kiều Việt Nam gần gũi với tâm hồn Pháp . Một nhà văn hóa Việt Nam nói với tôi: “Mình hiểu Kiều hơn nhờ bản dịch của anh Viện. Hình như ngoài tín nhã ra còn có một cái gì đấy!”…”