Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Văn nghệ dân gian ở quê tôi ngày trước (Huy Cận)

Văn nghệ dân gian ở quê tôi ngày trước

HUY CẬN

Hình ảnh của Văn nghệ dân gian ở quê tôi ngày trước
Trước Cách mạng tháng Tám, thời gian ở quê tôi như ngưng đọng lại, như không nghe thấy bước đi của các thế kỷ, một số phong tục, tập quán cổ xưa từ các đời trước truyền lại còn nguyên vẹn. Chẳng hạn phong tục đón giao thừa. Cứ đến đêm ba mươi tết, một số trai làng tập hợp lại, mặc áo quần tết, đầu chít khăn đỏ, khăn vải điều, và mang nhị, trống cơm, sanh tiền đi chúc tết khắp làng.
Đến mỗi nhà, các anh vỗ vào trống cơm (cũng gọi là trống tầm vông) hát lên những bài hát điệu rất cổ sơ mà lời cũng rất cổ sơ, nói đến trời đất, nói đến “cây cỏ dương hòa”, nói đến thần tài, thần mệnh, nói đến “con cháu đầy đàn”, nói đến âm dương, nói đến tạo hóa.
Lời hát nửa đượm màu huyền bí, nửa rất hiện thực, cuộc đời nằm trong một điệu nhạc trầm trầm, đều đều có một cái gì đó rất hấp dẫn, gợi lên bề sâu của sự sống ở nơi mảnh đất cổ xưa này.
Cho đến hôm nay viết đoạn hồi kí này, tôi vẫn còn nghe trong tâm tưởng điệu nhạc ấy, giọng hát ấy, tiếng trống cơm ấy và còn thấy rõ những chiếc khăn điều tươi thắm hiện lên trong đêm như một tín hiệu thần tiên, hay nói cho đúng hơn, như hé mở một thế giới vừa gần gũi vừa kì lạ mà tôi cảm thấy nhưng không nói được thành lời.
Cũng nói về phong tục tập quán, xin ghi thêm việc rước thần ở làng tôi vào rằm tháng giêng và rằm tháng bảy.
Khi kiệu thần đi qua xóm tôi, mọi người đổ xô ra xem. Đối với tôi, lúc đó khoảng sáu, bảy tuổi, là một sự khám phá diệu kì. Ông thần (tức là ông đồng) mặc áo quần toàn đỏ, khăn cũng đỏ, ngồi trên kiệu hai tay khoát khoát, có lúc kiệu gặp đường gập ghềnh nghiêng hẳn đi mà thần vẫn ngồi thẳng không xiêu lệch.
Thần là ông Giao ở xóm Boòng, một người có học chữ Nho, dáng người đẹp và nét mặt có vẻ gì như là thần, vừa nghiêm mà lại vừa tươi tắn.
Nhân nói về rước thần, tôi lại nhớ những lần theo cha tôi lên đình Trung, trên một ngọn đồi thấp, dự những buổi tế thần Thành Hoàng của xã.
Đêm trước ngày lễ chính, những chức sắc trong làng tụ tập ở đình để làm lễ tiên thường. Nhân dịp này, xã lại cho trần thiết đình làng với những lư hương và những cây đèn bạch lạp bằng đồng thau sáng choang, và nhất là cho treo bộ tranh dân gian gồm 24 bức tranh cổ kính rất đẹp.
Nghe nói bộ tranh này do một vị quan đời Lê, người của xã có dịp ra Thăng Long mua về. Tranh vẽ những con voi, ngựa, hạc, các vị tướng…

Lễ rước kiệu thần.
Tôi còn nhớ rõ những con voi phủ bành nỉ điều có thêu rất đẹp, các vị tướng thì đội mũ chóp nhọn có ngù như các vị tướng đời Tây Sơn mà ta thấy biểu hiện qua chân dung Nguyễn Quang Hiển (cháu Nguyễn Huệ sang triều cận triều đình nhà Thanh).
Năm 1955, về thăm quê, tôi hỏi thăm các vị bô lão trong làng thì mới hay bộ tranh đã mất dần, chỉ còn lại 4 bức do bác Cù Hoàng Thự (thầy học khai tâm của tôi) cất giữ. Tôi đã xin 4 bức tranh ấy đưa ra Hà Nội biếu cho Bảo tàng Mỹ Thuật: 2 bức vẽ hai con ngựa hồng và trắng có lộng che, dáng ngựa rất nghịch ngợm; 1 bức tranh hạc và một bức tranh tướng. Tất cả 4 bức đều tô màu với chất liệu màu lấy từ các thảo mộc.
Anh Nguyễn Đỗ Cung đã xem kĩ 4 bức tranh này (lúc đó anh là Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật) và xác định là tranh đời nhà Lê, có thể là do một phường vẽ tranh ở Thăng Long sản xuất, in hàng loạt bằng bản gỗ.
Đêm tiên thường ở đình Trung khói hương nghi ngút, đèn nến “lấp lánh như sao”, nhiều chức sắc ngủ tại đình, không khí rất tôn nghiêm mà lại có cái gì rất dân dã. Tôi cũng theo chú tôi ngủ lại đình, giấc ngủ chập chờn, mỗi lúc thức dậy lại thấy ngựa, voi trong tranh như đang đi dồn dập trong một đám rước. Cái cảm giác nửa truyền thuyết, nửa cuộc đời cứ luôn chờn vờn tâm trí tôi.
Gần sáng thì có tiếng lợn kêu bên cạnh sân đình: đang mổ lợn để tế thần. Còn xôi và thịt gà thì do các gia đình làm lướt (đến phiên phải làm cỗ cúng thần) bưng đến. Ngày lễ chính thức có rước sắc thần (cuộn tròn cất trong một cái hòm sắc dài, sơn son thếp vàng) từ đình đi qua các xóm, vào tận chân núi rồi trở về.
Đám rước có ông tiên chỉ đi trước, có hàng cờ đại và hàng cờ đuôi nheo đi sau, có trống chiêng rền vang từng hồi một. Đám rước đi ngoằn ngoèo trên đường làng, có khi đi tắt qua những bờ ruộng, hiện lên rất đẹp mắt với màu cờ đỏ viền màu tím thẫm trên nền xanh của những ruộng lúa, ruộng ngô, trên những bờ tre xanh mượt.
Tôi không kể chuyện ăn uống của đình làng mà nhiều người đã biết. Tôi chỉ ghi cái ấn tượng: lễ tế thần Hoàng của xã đượm một tinh thần nhớ tổ tiên, nhớ cha ông khai hoang, lập ấp. Đường dây liên hệ giữa các thế hệ trước sau thật tươi thắm.
Nhân dịp này những cụ cao tuổi nhất trong làng lại kể sự tích của thần Hoàng, con cháu ngồi nghe cảm động; cứ như thế truyền cho nhau những nét lịch sử của làng xã rất thực, rất đời, mang tính tráng ca dân gian.
Người dân xã Ân Phú (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) của tôi cũng như nhiều xã trong vùng rất mê hát ví dặm, rất hay kể chuyện cổ tích, rất thích hát chèo và xem chèo.

Lễ hội hát chèo.
Trong xã tôi không có phường hát bội (hát tuồng) nhưng bà con thường rủ nhau lên xã Cẩm Trang xem hát bội vào dịp tết hoặc vào lễ mừng lúa mới tháng 5 và tháng 10. Vốn văn nghệ dân gian rất giàu ở trong xã, được cất giữ trong những “bảo tàng sống”, tức là cả những cụ già và những bậc trung niên.
Tôi nhớ mãi ông bộ Căn (tên ông là Cù Hoàng Trại) giỏi chữ Nho, rất thuộc Kiều và ca dao. Những ngày nhàn rỗi ông cầm chiếc quạt mo đi khắp làng và bình luận ca dao, truyện Kiều cho bà con nghe.
Xóm tôi ở có một bãi cát khá rộng gọi là bãi Giang, bên bờ sông La (đoạn sông qua xã tôi gọi là sông Ngàn Su). Những đêm trăng thanh gió mát, nhiều bà con kéo nhau ra bãi Giang hát, hò có khi suốt đêm.
Trai gái hát đối đáp bằng ví dặm, ứng khẩu tại chỗ nhiều câu rất tài tình, đôi khi vài cụ già đứng đằng sau gà hộ. Có lần đò dọc (gọi là đò Choèn) đi trên sông cũng hát ghé vào rất tình tứ.
Chính trong những buổi hát đối ví dặm trong cảnh trăng thanh gió mát như vậy đã có những mối tình nảy nở hoặc được củng cố giữa những lứa đôi.
Có khi còn hát vọng từ bến bên này sang bến bên kia thuộc xã khác (xã Du Đồng) và những tình cảm bay qua dòng sông cũng không kém phần đằm thắm, bền chặt. Chính tôi đã có một người cô họ lấy chồng bên kia sông sau những buổi hát giao duyên thơ mộng ấy.
Trong những dàn cảnh của đoàn nghệ thuật ca nhạc Nghệ Tĩnh, tôi cũng đã thấy hiện lên những cảnh nên thơ (như cảnh hát ví dặm), nhưng chưa bao giờ tôi thấy một ai dàn cảnh đẹp mà lại rất thực như cảnh hát ví dặm ở bãi Giang quê tôi. Đó có phải là sức huyền diệu của kỷ niệm, hay chính bà con làng xóm của tôi đã sống rất thực mà rất mộng, rất thơ?
Dòng mạch văn nghệ dân gian chảy thật dạt dào trong đời sống nhân dân làng xóm. Tuyệt đại đa số bà con là thất học, nhưng ai nấy đều thuộc truyện Kiều và thuộc lòng ít nhất là dăm ba đoạn trong truyện thơ của Nguyễn Du.
Có khi bà con cũng chả biết ai làm ra truyện Kiều, chỉ biết là những câu thơ ấy hợp với cuộc đời, thấu hiểu cuộc đời và tâm linh của họ nữa, và giữa thơ Kiều với ca dao có khi bà con cũng không phân biệt.
Dòng mạch văn nghệ dân gian ấy không chỉ chở những vốn cũ như ca dao hay thơ lục bát của Nguyễn Du, mà còn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong cộng đồng thôn xóm ngày ấy.
Có lúc chúng ta như là bắt được quả tang sự ra đời của những bài thơ dân gian, của những ca dao nói chuyện ngày nay mà đậm đà hương vị truyền thống. Đó là trường hợp một anh làm vè ở quê tôi, ở bên làng Thị (phía hữu ngạn sông Ngàn Su gần chợ Nướt).
Lúc còn nhỏ ở nhà, tôi đã được nghe bà con truyền miệng những bài vè đầy chất thơ của anh. Những chuyện xảy ra trong làng xóm, những chuyện thời sự như ta nói ngày nay, anh thường đặt thành vè rất kịp thời: chuyện tâm tình của một lứa đôi, chuyện thất tình của một gã si tình, chuyện hào lý kiện nhau, chuyện anh em nhà kia thương yêu, đùm bọc nhau sau khi ba mẹ từ trần, chuyện anh lính khố đỏ đi Tây về bị mất vợ, chuyện đi săn hươu, săn nai, chuyện phường hát bội ở làng trên xóm dưới, chuyện ả chê chồng, chuyện vợ già chồng trẻ, chuyện bà già mà muốn ghẹo trai tơ, và có cả chuyện ngày cưới, ngày hội, ngày tết.
Anh Giái Thụng làm vè hay đến nỗi có những người đến đặt hàng cho anh làm vè, làm ca dao, hoặc là để nói dùm tâm tình của mình, hoặc là để nhờ anh châm biếm, phê phán một sự bất công hoặc một sự việc lố lăng trong xã hội.
Rõ ràng là nhà thơ dân gian này đã sáng tác “theo sự đặt hàng của xã hội” thời đó. Mẹ tôi và em gái tôi còn thuộc nhiều câu thơ, câu vè của anh. Anh làm thơ như người nông nhân đi cày, mà bản thân anh cũng là một dân cày.
Anh gieo vần như thể tay gieo hạt
Nhịp sống làm nên những nhịp thơ.
http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/1972-van-nghe-dan-gian-o-que-toi-ngay-truoc-.aspx