(Baohatinh.vn) - Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du – Danh nhân văn hóa thế giới, chiều 6/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ ra mắt tác phẩm Truyện Kiều dịch ra tiếng Nga. Dự lễ ra mắt có hơn 500 học giả, nhà nghiên cứu truyện Kiều.
Tập hợp những thông tin, hình ảnh và các bài viết về quê hương, con người xứ Nghệ để lưu giữ, giới thiệu và cùng trân trọng, tự hào về tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ còn được gọi là văn hóa Lam Hồng.
Tìm kiếm Blog này
Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015
Chính thức ra mắt tác phẩm “Truyện Kiều” bản dịch tiếng Nga
Tượng Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)
Chiều 6/11, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ra mắt tác phẩm “Truyện Kiều” bản dịch tiếng Nga nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh tác giả - Đại thi hào Nguyễn Du (1766-2016).
Tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Chủ biên bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga vui mừng coi tác phẩm này là nhịp cầu văn hóa giữa hai nước Việt-Nga.
Đây là niềm vui lớn của giới nghiên cứu văn học Việt Nam, giới nghiên cứu văn học Nga, là mong mỏi của nhiều thế hệ dịch giả tiếng Nga say mê Truyện Kiều và các nhà Việt Nam học nói chung.
Theo tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, năng lượng của Truyện Kiều để lại vô cùng lớn, giá trị nhân văn mãi mãi đồng hành cùng đất nước Việt Nam. Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau và các quốc gia đó cũng sẽ tiếp nhận các giá trị nhân văn của Truyện Kiều.
Đây là một công trình tập thể của nhóm dịch giả Việt-Nga, là những nhà Việt Nam học, Nga học, trong nhiều năm qua đã tham gia các chương trình trao đổi, truyền bá văn hóa Nga-Việt gồm tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng; dịch giả Đoàn Tử Huyến và Vũ Thế Khôi; nhà thơ Nga Vasili Popov, nhà Việt Nam học người Nga, Phó giáo sư Ngôn ngữ học Anatoli Socolov.
Phó giáo sư tiến sỹ Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 2 năm nỗ lực thực hiện, tác phẩm Truyện Kiều, với sự đặc định của các mã văn chương trung đại thể hiện ở sự dày đặc các điển tích, điển cố, với nhiều câu thơ mang đậm phong vị thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam.
Đặc biệt, với một nghệ thuật thơ bậc thầy, trong đó phải kể đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, nhạc điệu, hình ảnh, biểu tượng, đã được nhóm dịch giả chuyển tải sang tiếng Nga.
Nhóm biên dịch không có kỳ vọng chú thích toàn bộ mà cố gắng diễn giải ngay trong từng câu thơ, giúp các độc giả nắm bắt được ý nghĩa nội dung. Nhóm cũng thực hiện việc đánh số các câu thơ trong bản tiếng Nga nhằm giúp người đọc theo dõi nội dung của truyện thơ.
Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt, ngài Vladimir Buianov hy vọng không chỉ có Truyện Kiều mà tiếp sau sẽ có nhiều tác phẩm văn học khác của Việt Nam được dịch ra tiếng Nga./.
Minh Nguyệt, http://www.vietnamplus.vn/chinh-thuc-ra-mat-tac-pham-truyen-kieu-ban-dich-tieng-nga/353874.vnp
“Chân, thiện, mỹ” như là thang giá trị văn hóa tinh hoa xứ Nghệ
Tỉnh ta đã có truyền thống và có tiếng là thuần phong mỹ tục. Chúng ta phải phát triển và giữ gìn thuần phong mỹ tục đó (Hồ Chí Minh).
Ngày nay, không ai có thể phủ nhận rằng xứ Nghệ có những nét đặc trưng văn hóa rất riêng. Không phải ngẫu nhiên mà người ngoài tỉnh khi tiếp xúc người Nghệ thì biết ngay là người Nghệ, có thể qua giọng nói, qua diễn ngôn hay có thể qua tính cách. Không phải ngẫu nhiên mà khi nghe đến xứ Nghệ, người ta nghĩ ngay đến một số hình ảnh, một số sáo ngữ, một số con người, một số cảnh vật, một số đặc sản, một số giai thoại… Sở dĩ người ngoài nhận biết được "tính Nghệ" là bởi "tính Nghệ" đã được kết tinh thành những giá trị văn hóa tương đối bền vững, là bởi họ đã tự xây dựng cho mình một bộ tiêu chí lựa chọn, mặc dù họ không chủ ý, mặc dù họ không biết. Bây giờ hỏi họ dựa vào những tiêu chí nào để nhận định đây là người Nghệ, đây không phải người Nghệ, đây là văn hóa Nghệ, đây không phải văn hóa Nghệ thì chưa chắc họ đã trả lời được. Vậy thì đó là những tiêu chí nào? Áp dụng những tiêu chí đó ra sao? Những tiêu chí này sẽ làm sáng tỏ những vấn đề nào liên quan đến văn hóa xứ Nghệ. Đó là những câu hỏi mà chúng tôi sẽ tìm cách giải đáp dựa trên mô hình "Chân, Thiện, Mỹ" và thực tế nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ mà chúng tôi tiếp cận được bằng tầm đón của riêng mình.
Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015
Đôi điều về bản Truyện Kiều kỷ niệm 250 năm Nguyễn Du của Hội Kiều học | |
MINH MINH | |
http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4978-doi-dieu-ve-ban-truyen-kieu-ky-niem-250-nam-nguyen-du-cua-hoi-kieu-hoc.aspx
Để kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du sắp tới, Hội Kiều học và Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt một bảnTruyện Kiều đặc biệt in thật đẹp. Tuy nhiên, từ gần một tháng nay, bản Truyện Kiều này đã gặp phải sự phê phán, sự chê trách của những người yêu Truyện Kiều trong khắp nước. Vì quyển Kiều tốt mã này là kết quả của sự biên tập của nhà xuất bản cộng với cách thức thực hiện một văn bản Truyện Kiều của nhóm những nhà nghiên cứu lấy tên là Ban văn bản Truyện Kiều(1) thuộc Hội Kiều học Việt Nam đã không đáp ứng được lòng chờ đợi mong mỏi của người đọc.
Sự sơ sót của nhà xuất bản, chúng ta có thể thấy ngay ở trang 255. Không biết người ta đã cho đánh vi tính, đã cho sửa morát, đã cho in ấn như thế nào mà câu Kiều 1760 lẽ ra là 8 chữ đã bị xơi mất đi 2 (hai chữ bàn hoàn) chỉ còn lại có 6 chữ.
Về Ban văn bản Truyện Kiều, gồm toàn những vị có kiến thức, nhưng có lẽ vì không làm việc hết công suất của mình nên đã để xảy ra cơ sự đáng buồn. Khi chọn một văn bản Kiều Nôm làm cơ sở, căn cứ vào đấy mà phiên âm, hiệu đính để có được một văn bản Truyện Kiều tốt thì trong con số hàng chục bản Nôm xưa mà các vị ấy đã kể ra trong Lời nói đầu, từ những bản như Liễu Văn Đường, Quan Văn Đường, Thịnh Mỹ Đường cho đến những bản Duy Minh Thị, Lâm Nọa Phu, Kiều Oánh Mậu… các vị ấy đã không chọn lấy một mà lại đi chọn một bản khá xa lạ “căn cứ theo thủ bút được cho là của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San”(2). Ba chữ được cho là chứng tỏ là những vị phụ trách công việc phiên âm, hiệu đính để làm ra bản Kiều kỷ niệm 250 năm này cũng chưa dám khẳng định với chính họ rằng, đây là một bản Nôm xưa do chính tay cụ Vị Xuyên Trần Bích San chép lại. Tra cứu, phiên âm, hiệu đính văn bản mà dựa vào một bản Nôm có nguồn gốc đáng ngờ, một bản Nôm trôi nổi là phạm một quy tắc căn bản của ngành văn bản học.
Khi tìm hiểu về công việc phiên âm, công việc hiệu đính của các vị trong Ban văn bản, vì chưa có thời gian để xem lại tất cả 3254 câu Kiều nên muốn phát hiện những chỗ sai trong công việc phiên âm và hiệu đính của Ban văn bản thì còn phải mất công nhiều. Nay chỉ xin nêu ra một vài chỗ gọi là chữ tác đánh chữ tộ của Ban văn bản Truyện Kiều thôi.
Trong câu 1760 “Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây” vì đọc sai luống 𨻫 thành no 𩛂 nên câu thơ bị đổi là “Nỗi lòngno những...”.
Trong câu 638 “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” vì đọc sai chữ điệu 調 thành chữ mình𨉓 nên câu thơ hóa thành “Nét buồn như cúc mình gầy như mai”.
Cách phiên âm, cách hiệu đính của Ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam như PGS-TS Đoàn Lê Giang đã nhận xét: “được thực hiện khá lạ tai, không phải là những cách phiên âm thông thường như những bản Truyện Kiều xưa nay được đông đảo mọi người yêu thích”. Dĩ nhiên là có thể sửa, chọn… nhưng sửa, chọn phải có lý lẽ đầy đủ.
Do vậy, khi đọc bản Truyện Kiều kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du chúng ta gặp phải những câu thơ khiến chúng ta sửng sốt như: “Om thòm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” (câu 1054). Hai chữ om thòm không đi được với tiếng sóng va đập vào ghềnh đá mặc dù biết đó có thể là chữ của một bản Nôm cổ nào đó. Từ lâu chúng ta đã quen với “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” và muốn bác “thoại” này. Om thòm, có lẽ về sau đã đổi dần dần thành om sòm, chỉ dùng được trong những trường hợp cãi vã, ăn nói to tiếng hoặc như trong câu thơ Kiều 2286 “Om thòm trống trận, rập rình nhạc quân” thôi.
Hoặc như:
“Đùng đùng gió giục mây Tần” (câu 907). Tại sao lại có mây Tần ở đây nhỉ! Cảnh chiếc xe châu phóng như bay trên dặm đường xa có liên quan gì đến mây Tần!
Hoặc như:
“Mày xanh trăng mới in hằn” (câu 1793). Chữ hằn nghe thô tục quá. Hai câu thơ xinh đẹp như ngọc “Mày xanh trăng mới in ngần/ Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa” mà để cho một chữ hằn lọt vào thật không khác gì một vết sẹo trên khuôn mặt xinh đẹp của nàng Kiều. Lưu ý rằng trong chữ Nôm chữ 痕 có thể đọc ngần, hằn - nhưng ngần mới là chữ “tuyệt diệu”!
Hoặc như:
“Tiểu thư lại nẹt lấy nàng” (câu 1859). Nẹt 𠵋 là một từ cổ. Nhưng bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đọc Kiều, yêu quý Kiều đã đọc là thét, thì dùng nẹt phải lý giải sao cho tâm phục khẩu phục.
Chúng tôi cũng muốn nói vài lời về cách chú thích của Ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam nhưng đã có PGS-TS Đoàn Lê Giang nói trước chúng tôi rồi với câu lẩy Kiều có phong cách Bút Tre: “Đạm Tiên nàng ấy xưa là… con trai”!
* * *
Sau cùng chúng tôi nghe nói (tuy là nghe nói nhưng là sự thật chứ không phải chuyện bịa, chuyện mơ hồ) có lần vì một lỗi in trong một quyển từ điển mà Nhà xuất bản Larousse bên Pháp đã cho thu hồi tất cả số sách có lỗi để đưa đi tiêu hủy (để giữ chữ “tín”). Không biết NXB Trẻ và Hội Kiều học có định làm như nhà Larousse hay không?
_____
(1) Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, PGS Nguyễn Văn Hoàn, Hoàng Xuân Khóa, Vũ Ngọc Khôi, PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, GS Trần Đình Sử, nhà thơ Vương Trọng (Ban văn bản Truyện Kiều) biên soạn.
(2) Xem Lời nói đầu của cuốn Truyện Kiều kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du, NXB Trẻ, 2015.
LẶNG LẼ THÁI KIM ĐỈNH (Đức Ban)
Một dạo, tôi đã ngồi trước trang giấy úa vàng để viết về ông. Lại đến một dạo, tôi ngồi trước màn hình máy tính để viết về ông. Cả hai lần đều thất bại. Ông không hiện ra như tôi mong muốn. Ông không nói về mình, về những công trình, tác phẩm và cả những dự định của ông. Ông ngồi trước tôi như sự hiện diện của một sự im lặng muôn thuở. Mỗi lần ra khỏi nhà ông, tôi lại chỉ mang theo được một gương mặt lặng lẽ, một không khí lặng lẽ và một nỗi buồn lặng lẽ mơ hồ.
Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ bé cạnh con đường mang tên Xuân Diệu, ông ngồi từ sáng đến tối bên cái bàn gỗ, chung quanh là sách – những vui, buồn nhân thế – vây bủa ông, chèn ép ông, ấp iu ông. Một khoảng thời gian quá dài với bao nỗi thăng trầm dâu bể đã đi qua ức triệu trang sách kia và gần một thế kỷ đã đi qua ông.
Thời nào đấy ông làm thơ, loại thơ “Chiều chiến trường mông mênh/ Một ngôi sao đã hiện/ Ngôi sao xanh lấp lánh/ đợi anh đầu làng/ Cỏ mật thơm lừng không gian”. Ông bảo, viết mà cứ thấy ra nhàn nhạt, thấy ra bụng mình nghĩ khác cái điều mình viết. Như thế thì mình không là mình. Như thế thì còn ra cái gì. Ông chuyển sang dịch sách rồi đi sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông thừa hưởng gia tài tri thức của người bác ruột uyên thâm Nho học và Tây học và cả tính cách lặng lẽ của một ông đồ.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)