Một dạo, tôi đã ngồi trước trang giấy úa vàng để viết về ông. Lại đến một dạo, tôi ngồi trước màn hình máy tính để viết về ông. Cả hai lần đều thất bại. Ông không hiện ra như tôi mong muốn. Ông không nói về mình, về những công trình, tác phẩm và cả những dự định của ông. Ông ngồi trước tôi như sự hiện diện của một sự im lặng muôn thuở. Mỗi lần ra khỏi nhà ông, tôi lại chỉ mang theo được một gương mặt lặng lẽ, một không khí lặng lẽ và một nỗi buồn lặng lẽ mơ hồ.
Giờ đây, trong ngôi nhà nhỏ bé cạnh con đường mang tên Xuân Diệu, ông ngồi từ sáng đến tối bên cái bàn gỗ, chung quanh là sách – những vui, buồn nhân thế – vây bủa ông, chèn ép ông, ấp iu ông. Một khoảng thời gian quá dài với bao nỗi thăng trầm dâu bể đã đi qua ức triệu trang sách kia và gần một thế kỷ đã đi qua ông.
Thời nào đấy ông làm thơ, loại thơ “Chiều chiến trường mông mênh/ Một ngôi sao đã hiện/ Ngôi sao xanh lấp lánh/ đợi anh đầu làng/ Cỏ mật thơm lừng không gian”. Ông bảo, viết mà cứ thấy ra nhàn nhạt, thấy ra bụng mình nghĩ khác cái điều mình viết. Như thế thì mình không là mình. Như thế thì còn ra cái gì. Ông chuyển sang dịch sách rồi đi sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Ông thừa hưởng gia tài tri thức của người bác ruột uyên thâm Nho học và Tây học và cả tính cách lặng lẽ của một ông đồ.
Từ đó, như một định mệnh, ông gắn bó với quê hương, khắc khoải, thao thức với những cái bao nhiêu thế hệ tạo dựng, tích lũy, chuyển tiếp từ đời này sang đời khác. Những cái ấy bây giờ ta gọi là di sản văn hóa. Di sản văn hóa và những gì mang bản chất của văn hóa đã cho ông nghị lực và khát vọng sống mãnh liệt. Ông lặng lẽ mang vẻ đẹp của di sản trong lòng mà đối mặt với nghèo đói, đớn đau, với những chuyện đời bất trắc, giả dối, đố kỵ, lừa lọc để đi, đọc, xem, suy ngẫm, hình dung, tưởng tượng, ghi chép…
Không biết cưỡi xe đạp, xe máy, không ngồi ô tô, ông chỉ mỗi đi trên đôi chân của mình, một đôi chân trần, bụi bặm, có lúc tứa máu. Tính đến nay, ông đã đi bộ gần thế kỷ, suốt cuộc đời, dọc quá khứ của xứ sở ông, qua những hiện thực ngổn ngang những vui sướng, khổ đau. Tôi hình dung ra, rõ ràng bàn chân trần ấy, in dấu ở đất, đá, vôi vữa, địa y, rêu và cỏ… đây, đó, xa, gần.
Ông nói, đi bộ không phải là điều tốt đẹp gì đấy của con người; thậm chí một kém cỏi. Ông đi bộ vì ông thích đi bộ. Thích gì được làm nấy là một tự do, là hạnh phúc. Tôi biết đó là cách nói của ông chứ thực thì ông đi bộ để được một mình lặng lẽ đến với di tích, phế tích, với các làn điệu cổ truyền làng này, bản nọ. Những cái sự thật, những cái văn hóa, những cái lịch sử đã từng không chống nổi sự tàn nhẫn, thói vô cảm của con người, sự khắc nghiệt của thiên tai mà bị biến dạng, mờ nhạt, chìm lấp vào lãng quên trong mù mịt thời gian.
Dạo ông phải mổ mắt, giam mình trong bóng tối, tôi đến thăm ông. Trong cuộc trò chuyện, tôi nói là ông đã góp phần dựng cái sự thật, cái văn hóa, cái lịch sử dậy bằng sự trải biết, lòng trung thực và tình yêu thương. Ông dựng chúng dậy bằng ngòi bút. Và rồi chính chúng trở lại dạy ông, cảm hóa ông, chung sống với ông vui vẻ, hạnh phúc và cả dằn vặt, đớn đau. Ông kể lại, nhiều lắm, những gì cha ông đã kể từ thuở khai thiên tịch, ông dựng lên những gì cha ông đã xây đắp trên mặt đất đầy biến động bằng ngôn từ chân xác và thấm đẫm phong vị dân gian. Một cuộc sống đa dạng, phong phú, độc đáo đầy bản sắc văn hóa sống động trong 82 tác phẩm in riêng và chủ biên, soạn chung, in chung mang tên Thái Kim Đỉnh được nhiều người tìm đọc, tham khảo, nghiên cứu, học tập.
Hôm qua, tôi đến nhà ông. Hôm qua là ngày đầu thu, có bão xa, trời âm iu. Tôi nhìn ông lặng lẽ rót nước chè xanh trong cái ấm sứ đặt trong cái giỏ tre ra bát sứ, rồi bước khẽ lại cái ghế gỗ có tựa và ngồi xuống. Căn phòng sáng lờ nhờ. Tôi thấy ông chuyển động trong ánh sáng lờ nhờ kia, trong sự im lặng dịu dàng. Tôi thấy hàng ngàn quyển sách chuyển động theo ông và cứ nghĩ đấy là sự chuyển động của quá khứ
Quá khứ của quê hương, xứ sở và quá khứ của cuộc đời mỗi con người như ông, như tôi. Quá khứ vô tư, dài lắm, dày lắm, chứa chất nhiều nỗi lắm, không chừa một ai. Khác nhau là ở chỗ quá khứ cho người này sự thanh thản, cho kẻ kia nỗi dằn vặt. Ông bảo, ngoài những kẻ vô tâm còn thì nhìn lại quá khứ của đời mình chẳng ai thanh thản đâu vì chẳng ai tránh khỏi sai sót, chẳng ai khỏi dằn vặt bởi sự bất lực trước cuộc đời trần thế. Ông từng nói vì tuổi tác và sức khỏe, ông đang bất lực trước di sản. Tôi nói chín chục tuổi với ngần ấy tác phẩm, bao nhiêu người tìm đọc và sẽ còn đọc, thế là thanh thản được rồi. Ông im lặng.
Tôi hỏi ông có ý định viết hồi ký không, thì ông nói hồi ký của ông chính là tác phẩm đã xuất bản và tác phẩm chưa in. Ông nói, ông muốn làm tuyển tập để tìm lại những cái mình đã viết, cạnh những cái đúng có những cái sai, những cái hời hợt chưa thấu đáo và những cả cái ấu trĩ nữa. Từ đó để mà suy ngẫm về mình, về đời, về những điều khác. Về những điều khác là điều gì? Phải chăng là chuyện văn hóa truyền thống, văn hóa đương đại hay sự lặng lẽ đã thành tính cách của ông? Một lúc, ông bỗng hỏi, nếu tuyển tập của ông in ra có người đọc không? giúp được người đời chút gì không? Đấy là những câu hỏi thực lòng. Và nhận ra sự thực lòng ấy mà tôi rưng rưng buồn. Tôi nắm lấy những ngón tay gầy gò của ông và nói là tôi tin sẽ có nhiều người đọc vì thiên hạ còn nhiều người tử tế. Ông lặng lẽ cười.
Ông là người sâu sắc, kỹ lưỡng trong làm và khoáng đạt đến nhẹ tênh trong chơi. Từng có danh Trưởng phòng của Sở Văn hóa – Thông tin, Phó Chủ tịch Hội VHNT nhưng chức tước ấy như cái áo có màu sắc người ta khoác lên người ông, còn đằng trong lớp vải, lặng lẽ một cuộc kiếm tìm giá trị quá khứ, không ngưng nghỉ, không nguôi ngoai những suy ngẫm về lẽ đời, nẻo người thật sâu xa và nghiêm túc. Những suy ngẫm ấy dày vò ông đến nỗi có khi tạo nên vài đột biến tính cách: Ông kiêu ngạo trước dốt nát, đùa bỡn trước danh vọng, ngu ngơ trước thời cuộc. Rồi thì đâu lại vào đó. Người ta lại thấy ông đi bộ bên ồn ào, thấy ông giam mình trong căn phòng nhỏ giữa rất nhiều những cuốn sách, lặng lẽ viết.
Lúc tôi viết những dòng lộn xộn này thì ông vừa hoàn thành cuốn sách thứ 82 của mình, cuốn sách dịch Bách thần sự tích. Tôi nói, ông vừa bỏ nhà đi rong chơi cùng 100 vị thánh thần từ thưở nảo nảo. Ông gãi đầu tóc bạc nói các vị ấy hay lắm, như chúng mình mà lại không như chúng mình. Nói xong thì cười to, rồi rót nước trong cái ấm sứ đặt trong cái giỏ tre ra hai bát sứ, xong bước khẽ đến ngồi xuống cái ghế gỗ có tựa. Lặng lẽ.
https://hoingovanchuong.wordpress.com/2015/11/03/lang-le-thai-kim-dinh/