Đôi điều về bản Truyện Kiều kỷ niệm 250 năm Nguyễn Du của Hội Kiều học | |
MINH MINH | |
http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4978-doi-dieu-ve-ban-truyen-kieu-ky-niem-250-nam-nguyen-du-cua-hoi-kieu-hoc.aspx
Để kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du sắp tới, Hội Kiều học và Nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt một bảnTruyện Kiều đặc biệt in thật đẹp. Tuy nhiên, từ gần một tháng nay, bản Truyện Kiều này đã gặp phải sự phê phán, sự chê trách của những người yêu Truyện Kiều trong khắp nước. Vì quyển Kiều tốt mã này là kết quả của sự biên tập của nhà xuất bản cộng với cách thức thực hiện một văn bản Truyện Kiều của nhóm những nhà nghiên cứu lấy tên là Ban văn bản Truyện Kiều(1) thuộc Hội Kiều học Việt Nam đã không đáp ứng được lòng chờ đợi mong mỏi của người đọc.
Sự sơ sót của nhà xuất bản, chúng ta có thể thấy ngay ở trang 255. Không biết người ta đã cho đánh vi tính, đã cho sửa morát, đã cho in ấn như thế nào mà câu Kiều 1760 lẽ ra là 8 chữ đã bị xơi mất đi 2 (hai chữ bàn hoàn) chỉ còn lại có 6 chữ.
Về Ban văn bản Truyện Kiều, gồm toàn những vị có kiến thức, nhưng có lẽ vì không làm việc hết công suất của mình nên đã để xảy ra cơ sự đáng buồn. Khi chọn một văn bản Kiều Nôm làm cơ sở, căn cứ vào đấy mà phiên âm, hiệu đính để có được một văn bản Truyện Kiều tốt thì trong con số hàng chục bản Nôm xưa mà các vị ấy đã kể ra trong Lời nói đầu, từ những bản như Liễu Văn Đường, Quan Văn Đường, Thịnh Mỹ Đường cho đến những bản Duy Minh Thị, Lâm Nọa Phu, Kiều Oánh Mậu… các vị ấy đã không chọn lấy một mà lại đi chọn một bản khá xa lạ “căn cứ theo thủ bút được cho là của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San”(2). Ba chữ được cho là chứng tỏ là những vị phụ trách công việc phiên âm, hiệu đính để làm ra bản Kiều kỷ niệm 250 năm này cũng chưa dám khẳng định với chính họ rằng, đây là một bản Nôm xưa do chính tay cụ Vị Xuyên Trần Bích San chép lại. Tra cứu, phiên âm, hiệu đính văn bản mà dựa vào một bản Nôm có nguồn gốc đáng ngờ, một bản Nôm trôi nổi là phạm một quy tắc căn bản của ngành văn bản học.
Khi tìm hiểu về công việc phiên âm, công việc hiệu đính của các vị trong Ban văn bản, vì chưa có thời gian để xem lại tất cả 3254 câu Kiều nên muốn phát hiện những chỗ sai trong công việc phiên âm và hiệu đính của Ban văn bản thì còn phải mất công nhiều. Nay chỉ xin nêu ra một vài chỗ gọi là chữ tác đánh chữ tộ của Ban văn bản Truyện Kiều thôi.
Trong câu 1760 “Nỗi lòng luống những bàn hoàn niềm tây” vì đọc sai luống 𨻫 thành no 𩛂 nên câu thơ bị đổi là “Nỗi lòngno những...”.
Trong câu 638 “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” vì đọc sai chữ điệu 調 thành chữ mình𨉓 nên câu thơ hóa thành “Nét buồn như cúc mình gầy như mai”.
Cách phiên âm, cách hiệu đính của Ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam như PGS-TS Đoàn Lê Giang đã nhận xét: “được thực hiện khá lạ tai, không phải là những cách phiên âm thông thường như những bản Truyện Kiều xưa nay được đông đảo mọi người yêu thích”. Dĩ nhiên là có thể sửa, chọn… nhưng sửa, chọn phải có lý lẽ đầy đủ.
Do vậy, khi đọc bản Truyện Kiều kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du chúng ta gặp phải những câu thơ khiến chúng ta sửng sốt như: “Om thòm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” (câu 1054). Hai chữ om thòm không đi được với tiếng sóng va đập vào ghềnh đá mặc dù biết đó có thể là chữ của một bản Nôm cổ nào đó. Từ lâu chúng ta đã quen với “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” và muốn bác “thoại” này. Om thòm, có lẽ về sau đã đổi dần dần thành om sòm, chỉ dùng được trong những trường hợp cãi vã, ăn nói to tiếng hoặc như trong câu thơ Kiều 2286 “Om thòm trống trận, rập rình nhạc quân” thôi.
Hoặc như:
“Đùng đùng gió giục mây Tần” (câu 907). Tại sao lại có mây Tần ở đây nhỉ! Cảnh chiếc xe châu phóng như bay trên dặm đường xa có liên quan gì đến mây Tần!
Hoặc như:
“Mày xanh trăng mới in hằn” (câu 1793). Chữ hằn nghe thô tục quá. Hai câu thơ xinh đẹp như ngọc “Mày xanh trăng mới in ngần/ Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa” mà để cho một chữ hằn lọt vào thật không khác gì một vết sẹo trên khuôn mặt xinh đẹp của nàng Kiều. Lưu ý rằng trong chữ Nôm chữ 痕 có thể đọc ngần, hằn - nhưng ngần mới là chữ “tuyệt diệu”!
Hoặc như:
“Tiểu thư lại nẹt lấy nàng” (câu 1859). Nẹt 𠵋 là một từ cổ. Nhưng bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đọc Kiều, yêu quý Kiều đã đọc là thét, thì dùng nẹt phải lý giải sao cho tâm phục khẩu phục.
Chúng tôi cũng muốn nói vài lời về cách chú thích của Ban văn bản Truyện Kiều của Hội Kiều học Việt Nam nhưng đã có PGS-TS Đoàn Lê Giang nói trước chúng tôi rồi với câu lẩy Kiều có phong cách Bút Tre: “Đạm Tiên nàng ấy xưa là… con trai”!
* * *
Sau cùng chúng tôi nghe nói (tuy là nghe nói nhưng là sự thật chứ không phải chuyện bịa, chuyện mơ hồ) có lần vì một lỗi in trong một quyển từ điển mà Nhà xuất bản Larousse bên Pháp đã cho thu hồi tất cả số sách có lỗi để đưa đi tiêu hủy (để giữ chữ “tín”). Không biết NXB Trẻ và Hội Kiều học có định làm như nhà Larousse hay không?
_____
(1) Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, PGS Nguyễn Văn Hoàn, Hoàng Xuân Khóa, Vũ Ngọc Khôi, PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn, GS Trần Đình Sử, nhà thơ Vương Trọng (Ban văn bản Truyện Kiều) biên soạn.
(2) Xem Lời nói đầu của cuốn Truyện Kiều kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào Nguyễn Du, NXB Trẻ, 2015.