Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi

Tập tin:GS.Nguyen Dong Chi.jpg
Nguyễn Đổng Chi, quê gốc ở làng Đông Thượng, xã ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho yêu nước, cha đã tham gia phong trào Duy Tân ở Nghệ Tĩnh, từng dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết), Trường Quốc học Huế, chú ruột bị Pháp xử chém vì cầm đầu phong trào chống thuế ở Nghệ Tĩnh, mẹ là người thuộc dòng họ Thám hoa Nguyễn Văn Giai.

Từ năm lên tám cho đến tuổi mư­ời lăm, Nguyễn Đổng Chi theo học các trường tiểu học ở Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới và học chữ Hán, chữ Nôm tại nhà. Những năm sau, ông học tại trường Trung học Lễ Văn ở Vinh. Năm 1934, Nguyễn Đổng Chi theo anh trai lên Kon Tum nghiên cứu và cùng viết sách về các tộc người Ba Na và Gia Rai. Năm 1935, ông làm phóng viên cho tờ Thanh - Nghệ - Tĩnh, tuần báo ở Vinh, cộng tác với nhiều báo chí trong nam ngoài Bắc, bắt đầu viết truyện với biệt hiệu Nguyễn Trần Ai. Năm 1937, tập phóng sự Túp lều nát của ông được xuất bản ở Vinh, tố cáo sự mục nát của bọn hào lý, mô tả nỗi bất bình và những phản ứng của người dân nghèo. Từ năm 1938 đến năm 1945, một mặt, Nguyễn Đổng Chi biên soạn các cuốn sách Việt Nam cổ văn học sử, Đào Duy Từ, Hát giặm Nghệ Tĩnh, mặt khác, ông tham gia hoạt động cách mạng. Tháng Tám năm 1945, Nguyễn Đổng Chi ở trong Ban phụ trách Đội vũ trang khởi nghĩa, cùng toàn đội giành chính quyền thắng lợi ở huyện Can Lộc. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc Nghệ An, là chủ bút tờ báo Truyền thanh của ủy ban kháng chiến hành chính Nghệ An, rồi chuyển sang công tác ở một cơ quan kinh tài. Ngày toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Đổng Chi có mặt ở Hà Nội, tham gia Đội tự vệ khu phố Bảy Mẫu, trực tiếp cầm súng chiến đấu hai tháng ròng cho tới khi quân ta rút khỏi thủ đô, ông trở lại Nghệ Tĩnh làm việc ở Ban Tài chính Trung Bộ. Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, từ năm 1955 đến năm 1975, ông lần lư­ợt công tác ở Ban Văn Sử Địa, Viện Sử học. Trong thời gian này, ông là đồng tác giả các sách Nguyễn Trãi, nhà văn học và chính trị thiên tài (1957), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (1958-1960, năm quyển) Thời đại Hùng Vương (1973). Trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn khoác áo quân nhân, 18 tháng trường có mặt ở biên giới phía bắc và phía tây nam, tham gia hoạch định một lần nữa cương vực của đất nước. Ông cũng đã viết những báo cáo khoa học chứng minh cứ liệu lịch sử về các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đệ trình Chính phủ.

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi. Qua một giai đoạn nghỉ làm việc ở Viện Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Đổng Chi ra Hà Nội nhận chức Trưởng ban Hán - Nôm (tiền thân của Viện nghiên cứu Hán - Nôm) và tiếp đó, xin chuyển làm chuyên viên nghiên cứu của Ban Văn hóa dân gian (tiền thân của Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian). Năm 1984, ông được phong hàm Giáo sư . Tháng 7-1984, Nguyễn Đổng Chi mất tại Hà Nội.

Với cuộc đời từng trải, với hơn 50 năm cầm bút, phạm vi chủ yếu của Nguyễn Đổng Chi thật rộng : sáng tác văn học, nghiên cứu văn học viết, nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu Hán - Nôm, ở lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp. Nhưng cống hiến của ông nổi bật hơn cả là ở lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu văn học, văn hóa dân gian.

Trong cuốn Hát giặm Nghệ Tĩnh, ngoài những văn bản sưu tầm, chú giải, Nguyễn Đổng Chi đã nghiên cứu đặc trưng, nguồn gốc, hình thức diễn xướng và giới thiệu các nghệ nhân của loại dân ca này. Gần 20 năm sau, với sự cộng tác của Ninh Viết Giao, ông viết lại cuốn sách với nhận định thỏa đáng hơn, tư liệu sưu tầm phong phú hơn.

Sách Lược thảo về thần thoại Việt Nam (1957) tuy ngắn gọn (chưa đầy 200 trang) nhưng là công trình đầu tiên hệ thống hóa kho tàng thần thoại Việt Nam. Nguyễn Đổng Chi đã có những kiến giải rất đáng chú ý. Theo ông, đặc điểm của thần thoại nước ta "là sự phản ánh xã hội chất phác, ấu trĩ thời cổ". Ông chú ý đến mối quan hệ giữa các tộc người cùng chung sống, về sự giao lưu và tiếp nhận ảnh hưởng của thần thoại Trung Quốc nhưng vẫn giữ được sắc thái và bản lĩnh dân tộc Việt Nam. Ông đặc biệt lưu ý đến vị "Thần Nước" chiếm vị trí quan trọng bậc nhất và được xuất hiện nhiều lần nhất trong các sáng tác dân gian nước ta.

Cùng với Cao Huy Đỉnh, Đặng Nghiêm Vạn, ông là đồng tác giả sách Phương pháp sưu tầm văn học dân gian ở nông thôn. Tập sách ra đời sau ba năm thành lập Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đúng lúc công việc này đòi hỏi phải tiến hành một cách khoa học. Bằng cách diễn đạt sinh động, các tác giả đem đến cho bạn đọc những kinh nghiệm bổ ích, thiết thực trong sưu tầm văn học dân gian và gìn giữ di sản văn hóa nói chung.

Trong vòng một phần tư thế kỷ, năm tập của bộ sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam lần lượt xuất bản, nhiều tập được tái bản với số lượng lớn. Năm 1993, lần đầu tiên năm tập sách này được in trọn bộ do Viện Văn học xuất bản, có sửa chữa, bổ sung gồm 2.740 trang, được chia thành ba phần chính.
Phần thứ nhất gồm hơn 80 trang, phần thứ ba 250 trang, là hai phần nghiên cứu. Ở đây, Nguyễn Đổng Chi đã phân loại truyện cổ tích, phân biệt truyện cổ tích với thần thoại và truyền thuyết, phân tích đặc điểm của truyện cổ tích. Theo Nguyễn Đổng Chi, truyền thuyết, cổ tích đều là những truyện tưởng tượng, tương đối dài có kết thúc trọn vẹn, các chi tiết trong truyện được kể lại theo thứ tự đã xảy ra trong không gian và thời gian có thể là hoang đường, huyền diệu hoặc không nhất thiết như thế, thường đề cập những vấn đề đấu tranh trong xã hội có giai cấp nhiều hơn là vấn đề đấu tranh với thiên nhiên. Truyện cổ tích nhằm gây hứng thú đối với người nghe, người đọc, đồng thời cũng để giáo dục họ và không cố ý gây cười. Nguyễn Đổng Chi cũng làm rõ nguồn gốc và quá trình phát triển của thể loại truyện cổ tích.

Chiếm nhiều số trang nhất của bộ sách là phần sưu tầm, biên soạn, giới thiệu 200 truyện của người Việt như : Sự tích dưa hấu, Sự tích trầu cau và vôi, Sự tích đá Vọng Phu, Đồng tiền Vạn Lịch, Hà Ô Lôi, Cây tre trăm đốt, Tấm Cám, v.v. Cách kể của Nguyễn Đổng Chi giản dị với một văn phong trong sáng, đậm đà ý vị. Tuy nhiên, giá trị nổi bật khiến bộ sách của ông vượt lên trên các cuốn sách sưu tầm khác chính là phần khảo dị. Chẳng hạn, truyện Thạch Sanh (dài hơn 6 trang), soạn giả tóm tắt cốt truyện của mười bản kể khác (gần 11 trang) có những chỗ giống và không giống với cốt truyện Thạch Sanh. Mười bản kể đó là của người Tày, và người Treng (Việt Nam), của ng­ười A-vác (phía Bắc núi Cô-ca-dơ), của người Can-múc, của người Xi-gơ-ni (Trung Á), của người Tác-ta (Nam Xi-bê-ri), của người Xi-ri, của Pháp, của Ấn Độ (hai truyện). Như vậy, lần đầu tiên, Nguyễn Đổng Chi đã soạn lại cho truyện cổ tích người Việt (Kinh) một cái nhìn có đối chiếu so sánh.
Được giao trọng trách làm chủ biên công trình Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, từ năm 1981, Nguyễn Đổng Chi đã cùng các đồng tác giả nhiều lần đi điền dã, xây dựng bản thảo. Đến giữa năm 1984, công trình hoàn thành với 925 trang đánh máy, chưa kể các phụ bản. Vì điều kiện kinh phí, sau khi ông mất mười năm, công trình mới được xuất bản vào tháng 1-1995. Cuốn sách này là tập đại thành về văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, giới thiệu sinh động và chân thực về vùng đất và con người Nghệ Tĩnh, về từng lĩnh vực của sáng tác dân gian nơi đây : tục ngữ, truyện kể, thơ, ca, nhạc, múa, về trò chơi, trò diễn và sân khấu dân gian, về phong tục tập quán và món ăn dân gian, đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải nhất.

Giáo sư Nguyễn Đổng Chi đã qua đời, nhưng những thành quả lao động của ông sẽ còn mãi. Nguyễn Đổng Chi là người miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc.

PGS, PTS NGUYỄN XUÂN KÍNH

http://www.quangtri.edu.vn/article/chuyende/nha-nghien-cuu-van-hoa-dan-gian-nguyen-dong-chi-19032010124735.aspx