Chuyên đề: 65 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh. BTXV: 15:37-07/04/2009
Morché là một quan chức cao cấp trong ngành tư pháp thời thuộc Pháp, giữ chức Chánh toà Thượng thẩm Bắc Kỳ. Ngay sau khi Xô Viết Nghệ Tĩnh bị dập tắt trong biển máu, toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier đã ký nghị định ngày 2/6/1932 thành lập Uỷ ban điều tra các sự Bắc Trung Kỳ (commissiond’ en quéte sur les e’vènememnts du Nord- Annam), cử Morché đứng đầu uỷ ban đó để thu thập các nguồn tư liệu về phong trào, tất cả tập hợp thành một hồ sơ dày, thường quen gọi là hồ sơ Morché ( Dossier Morché).
Mục đích của chính quyền Pháp khi lập Uỷ ban Morché là tiến hành phỏng vấn, điều tra rộng rãi trong các tầng lớp để tìm hiểu phản ứng của họ đối với Xô Viết Nghệ Tĩnh, các nguyên nhân làm cho phong trào bùng nổ, từ đó rút kinh nghiệm chủ động đưa các biện pháp ngăn ngừa, đối phó kịp thời và hiệu quả, các nhân chứng được phỏng vấn, về phía Việt Nam là những người chứng kiến phong trào, vì sống tại các địa phương có phong trào hay do nghề nghiệp nên có tiếp xúc với người tham gia trực tiếp phong trào viên đã bị bắt, trong đó có cả những người nắm vai trò tổ chức, lãnh đạo các cuộc biểu tình, tham gia các vụ xung đột giữa quần chúng biểu tình và đội quân Lê dương của Pháp, các vụ tiêu diệt bọn lính được phái tới đàn áp quần chúng đấu tranh và trừng trị những tên quan lại, cường hào gian ác ở các địa phương. Chúng còn tiến hành phỏng vấn, lấy ý kiến từ nhiều người, từ Thượng thư Tôn Thất Trạm(có chân trong Uỷ ban điều tra), Nguyễn Trác(Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ), Hà Xuân Hải( Án sát Nghệ An), Giáo sư Lê Thước, Chánh quán Hà Tĩnh và có thời làm Đốc học trường tiểu học Vinh, đến Thái Văn Giai(Giáo học, đảng viên cộng sản bị bắt giam ở nhà lao Vinh), Trương Phùng(nhân viên đưa thư của bưu điện ga Vinh, cũng bị bắt giam tại nhà lao Vinh)... Chúng phỏng vấn các quan lại ở địa phương, ngay tại những nơi xảy ra sự kiện, từ tri phủ, tri huyện đến chánh tổng, lý trưởng đương chức, cũng như đã về hưu, cuối cùng là nông dân, công nhân bị tình nghi có dính líu tới phong trào. Về phía Pháp, họ là những sỹ quan chỉ huy các cuộc hành quân đàn áp phong trào (như Garnier, tiểu đoàn trưởng chi khu quân sự Hà Tĩnh); các quan chức cao cấp của chính quyền Pháp như các Khâm sứ Trung Kỳ Le Fol, Gaboille, công sứ Nghệ An Lestérlin..., các quan chức cao cấp chuyên môn của Pháp (như Thalames, Tổng giám đốc học chính Đông Dương; Y.Henry, Tổng thanh tra nông lâm nghiệp và chăn nuôi Đông Dương; Girard và Pavier đều là kỹ sư giám đốc công chính; bác sỹ Lewoine bệnh viện trưởng bệnh viện Vinh; các thương gia và chủ đồn điền như( Férey chủ đồn điền Sông Con ở Hương Sơn)... Só tài liệu rất phong phú về Xô Viết Nghệ Tĩnh thời kỳ 1930-1931 hiện được lưu trữ tại kho lưu trữ quố gia Pháp, thuộc phòng lưu trữ hải ngoại, đặt tại thành phố Aix-en-Provence ở miền Nam nước Pháp( Déppôt des Archives d’out re- Mer), có ký hiệu F-13.090.
Trong hồ sơ này có 254 tài liệu được sắp xếp thành ba loại. Loại thứ nhất gồm các công văn, công điện, thông tư, chỉ thị, báo cáo mật, phân tích tình hình Nghệ Tĩnh về các mặt, tất cả đều do các quan chức hành chính và quân sự Pháp cung cấp. Loại thứ hai gồm các tài liệu tuyên truyền cách mạng như truyền đơn, hiệu triệu, báo chí mà nhà cầm quyền Pháp và phong kiến tay sai đã thu được ở các địa phương có phong trào. Hai loại tài liệu này cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin quan trọng về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Nghệ Tĩnh trong hai năm 1930-1931. Nhất là loại thứ nhất, hầu hết đều là tài liệu mật chỉ trao đổi trong nội bộ chính quyền Pháp, các cơ quan quân sự và an ninh của Pháp mà một nhà nghiên cứu người Pháp, tác giả cuốn “ Nước Việt Nam trong thế kỷ 20” đã khẳng định phải có các tài liệu này “Mới có thể nắm hết được tầm quan trọng và ý nghĩa xã hội và lịch sử của phong trào quần chúng ngày nay( chỉ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh)” (Feray P .R- Le Việt Nam au 2oe Siè, Paris, 1979).
Nhưng quan trọng hơn trong khối hồ sơ tài liệu lưu trữ này có 144 lời khai (Déclarations) lên tới hàng ngàn trang đánh máy do chính quyền thực dân đã thu thập sau các cuộc phỏng vấn trực tiếp các nhân chứng lịch sử thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, người Pháp cũng như người Việt, người trực tiếp tham gia phong trào cũng như người đứng ngoài phong trào, người ở trong chính quyền thực dân và phong kiến cũng như người đứng ngoài... có thể khẳng định rằng việc tiến hành điều tra rộng rãi dư luận trong nhân dân một cách quy mô, có bài bản để rút kinh nghiệm đề ra các chính sách mới sau khi phong trào đã thất bại là một thủ đoạn hoàn toàn mới, so với các phong trào trước đã đành, ngay cả đối với các phong trào sau đó cũng không thấy làm, nhiều lần cũng chỉ là những báo cáo tổng kết hoàn thành nhiệm vụ đàn áp và quyết định khen thưởng. Cũng qua việc làm lần này của thực dân Pháp, có thể khẳng đinh quy mô rộng lớn, khí thế quyết liệt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh trong những năm 1930-1931, tính chất mới mẻ của phong trào, đồng thời cũng thấy được sự hốt hoảng lo sợ của bè lũ thực dân và phong kiến. Chính nhà cầm quyền Pháp phải thú nhận là phong trào này “đã đe doạ sự an ninh nội bộ (của thực dân Pháp) một cách trầm trọng chưa từng có khi nước Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước này” (René Robin- Báo cáo tình hình chính trị ở Trung Kỳ ngày 1/6/1931).
Đối với người nghiên cứu phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 thì loại tài liệu thứ ba này là những tài liệu gốc có giá trị đặc biệt. Nói một cách cụ thể là qua các lời khai của các nhân chứng lịch sử, đã thể hiện các thái độ, cách nhìn nhận và đánh giá phong trào, các đề nghị khác nhau, tuỳ theo người phỏng vấn thuộc tầng lớp nào trong xã hội. đáng ngạc nhiên nhất là ngay trong cá lời khai của một số quan chức hành chính, chỉ huy quân sự người Pháp, chúng ta đều bắt gặp những nhận xét phê phán khá kịch liệt chính sách của chính quyền thuộc địa cấu kết chặt chẽ với chính quyền phong kiến tay sai đối với nhân dân Việt Nam, chủ yếu là nông dân, vạch rõ nhữngmặt thiếu sót và yếu kém của bộ máy cai trị thuộc địa. Một nha fsử học Pháp khi khai thác tài liệu này đã thú nhận: “ chúng ta phải ngạc nhiên khi đọc các lời khai của một số người dân tộc thuộc địa đã nhân dịp này lên tiếng đã kích rất kịch liệt chính sách bóc lột tàn bạo của chính quyền thuộc địa Pháp, hoặc những lời tuyên bố đanh thép của một số nhà cách mạng Việt Nam bị bắt và phỏng vấn. nội dung rất phong phú của những lời khai này đã phản ánh rõ rệt các đường lối chính trị tàn ác của thực dân, sự đàn áp tàn bạo của bọn quan lại, cường hào cũng như sức đấu tranh cương quyết của nhân dân, và nhất là cách tổ chức rất tinh vi của các nhà cách mạng thời kỳ này, và qua đó phản ánh khá đầy đủ khí thế đấu tranh của con người Nghệ Tĩnh”(Pierre Brocheux: Sự du nhập phong trào cộng sản vào xứ đông Dương thuộc Pháp: trường hợp Nghệ Tĩnh 1930-1931( L’Implantation du mouvement coumunist en Indochine francaise: Le cas du Nghe Tinh 1930-1931- Paris, 1977). Các lời khai dù ít dù nhiều, khi đề cập tới các nguyên nhân bùng nổ phong trào, đều nhất trí khẳng định Xô Viết Nghệ Tĩnh nổi dậy ở Bắc Trung Kỳ trong hai năm 1930-1931 đã bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có thể quy lại thành 3 loại nguyên nhân như sau:
- Sự thất bại của chính quyền thuộc địa Pháp tại Nghệ Tĩnh (mà thực dân cho là vùng đất “đặc biệt”; cộng với các sai trái, tệ lậu của chính quyền phong kiến tay sai(một bộ máy quan lại cường hào cổ lỗ, trì trệ, thối nát, tham nhũng).
- Sự đói khổ của dân chúng địa phương trước đó vẫn bị các quan lại và các cố đạo ra sức bưng bít, che dấu. Sự đói khổ này có thực và rất trầm trọng do nạn chiếm hữu ruộng đất, sưu cao thuế nặng, nạn cho vay lãi, đất đai xấu nên năng suất kém, thiên tai hạn hán liên miên, mùa hè gió lào thiêu đốt, mùa đông mưa gió bão táp...
- Sự tuyên truyền cách mạng được thực hiện thuận lợi, không gặp trở ngại vì dân chúng sẵn sàng nghe theo.
Trong báo cáo ngày 12/6/1931 của Garnier- tiểu đoàn trưởng chỉ huy chi khu Hà Tĩnh, đã nói rõ tình hình khó khăn người Pháp vấp phải tại chỗ như sau: “tại Hà Tĩnh chúng ta đã vấp phải một sự đồng tình im lặng. Dân chúng áp dụng chính sách không thấy gì, không nghe gì, không biết gì, ngay cả những người thạo tin nhất như các viên y sỹ và thú y sỹ Đông Dương, viên chủ sự nhà dây thép, các cố đạo người Việt, các viên chức. Các viên chức người ở tỉnh này có một tâm tính khác các viên chức ngoài Bắc... Viên y sỹ của cơ quan y tế chữa trị trong bệnh viện của ông ta cho các phần tử tham gia biểu tình bị thưong trong các cuộc nổi dậy, nhưng ông ta viện đủ mọi lý do để không nói điều gì cả” .
Phân tích nguyên nhân thái độ im lặng này, báo cáo của Garnier, sau khi đề cập đến các nguyên nhân là sự sợ hãi bị cách mạng trừng trị, tính hai mặt của dân chúng vừa làm việc với chính quyền thuộc địa, vừa có cảm tình với cách mạng, đã đề cập tới một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là chủ nghĩa dân tộc. Hầu như tất cả các lời khai trả lời phỏng vấn đều nhấn mạnh tới truyền thống yêu nước của nhân dân Nghệ Tĩnh. Rồi từ tình hình thực tế này, các báo chí cũng như các lời khai, các bài trả lời phỏng vấn đều đi tới khẳng định rằng: “ Đảng cộng sản đã có một mảnh đất chuẩn bị sẵn sàng. Đảng đã hoạt động với sự hiểu biết sâu sắc tâm lý dân chúng, theo nội dung chương trình và một phương pháp, biết khai thác tình trạng nghèo khổ của dân chúng; hứa hẹn với họ một cuộc sống hạnh phúc, cổ vũ động viên tinh thần dân tộc, để sau đó tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản”.
Đáng chú ý là sau khi trả lời phỏng vấn, nhiều dân chúng người Pháp cũng như người Việt, quân sự, quan lại, trí thức cũng như dân sự đều lên án chính sách giáo dục hạn chế, thực dụng của chế độ thuộc địa. Tiểu đoàn trưởng chi khu quân sự Hà Tĩnh đã khẳng định: “ Nền giáo dục hiện đại đã phá hoại nền giáo dục Hán học cũ. Tục thờ cúng tổ tiên, sự kính trọng các bậc già lão và các vị thân hào, sự sợ hãi chính quyền, tất cả đều bj pha shoại bởi hoạt động tuyên truyền của cộng sản”. Thượng thư Tôn Thất Trạm (có chân trong Uỷ ban điều tra) cũng cùng một ý kiến như vậy, khi cho rằng việc bãi bỏ nền giáo dục phong kiến là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tuyên truyền cộng sản.: “nền giáo dục này(tức nền giáo dục Nho học) từ lâu được thực hiện trong nước Nam giảng dạy các nguyên tắc đạo lý (kính trọng quyền lực của Vua, yêu mến các bậc huynh trưởng, tuân thủ các phép tắc lớn về lễ nghi, các phép tắc đó do các bậc huynh trưởng dạy cho lớp con chú và đàn em, từ xưa là nền tảng của sự đào tạo về tinh thần ...nền giáo dục, hiện nay còn chưa đạt tới sự hoàn bị. Nếu như việc giáo dục con người được thực hiện trong các trường công thì nền giáo dục gia đình cũng không được thiếu...Đưa trẻ đã phải gửi tới trường từ khi mới 6-7 tuổi, cả cha lẫn anh nó đều không thể giáo dục con và em mình(đây là nói giáo dục gia đình theo đạo đức Nho giáo)...con người thiếu đạo đức đã dẽ dàng đi vào con đường lầm lạc, người ta có thể nhận thấy điều đó qua các hành động cộng sản”. Các ý kiến sai trái đó đã bị giám đốc học chính Đông Dương là Thalamas cực lực phản đối trong lần trả lời phỏng vấn ngày 5/8/1931: “kẻ thù của sự nghiệp giáo dục của chúng ta muốn bắt sự nghiệp giáo dục đó phải chịu trách nhiệm về các cuộc rối loạn ở Nghệ Tĩnh, trong khi nguyên nhân các sự kiện đó chỉ là một sự đói khổ khủng khiếp đã được chủ nghĩa cộng sản khéo léo khai thác”.
Giáo sư Lê Thước, vị giải nguyên khoa cuối cùng của chế độ khoa cử phong kiến Việt Nam, từng làm hiệu trưởng trưởng tiểu học Pháp - Việt tại Vinh, khi được phỏng vấn về vấn đề này, đã thẳng thắn một mặt khẳng định “nền giáo dục nho học đã lỗi thời”... “ngày nay nó đã trở thành bất cập vì nó không đào tạo ra những con người thực hành và được trang bị cho cuộc sống”, mặt khác ông cũng khẳng định dân chúng yêu cầu được học chữ Pháp, và theo ông thì nên dành cho việc học chữ Hán một vị trí trong giáo dục hiệnđại, sau việc học chữ Pháp, vì nó có một giá trị giáo dục tinh thần.
Sau khi đã thu thập được mọi loại ý kiến, uỷ ban điều tra các sự việc Bắc Trung Kỳ trong hai năm 1930-1931 đã tập trung nghiên cứu, bàn bạc, rồi đưa ra một số biện pháp nhằm cứu chữa một số mặt thiếu sót, hạn chế trong bộ máy cai trị, bóc lột của chính quyền thuộc địa, xoa dịu dân chúng, ổn định lại tình hình. Một vài sửa chữa nhỏ nhặt trong bộ máy chính trị quân sự của đế quốc và phong kiến, cũng như trong hoạt động kinh tế, giáo dục, văn hoá, y tế được thực hiện. Một số sự kiện mà mọi người nêu rõ, đó là việc đập Đô Lương được xây dựng; các trường học Pháp - Việt được mở rộng và chữ Hán được đưa vào học ở cấp cơ sở; mạng lưới bệnh viện được mở rộng hơn so với trước...Tất nhiên mọi điều cải cách nhỏ giọt đó đều được tiến hành song song với nhiều thủ đoạn đàn áp, khủng bố phá hoại phong trào kín đáo hơn, xảo quyệt hơn.
Trên đây là một số nét giới thiệu khối tư liệu quý về Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Tiếp cận, khai thác khối tư liệu đó nhất định sẽ tạo điều kiện cho chúng ta nghiên cứu sâu hơn, chắc hơn, tốt hơn về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Vì vậy để kết thúc tham luận này, chúng tôi đề nghị với các cơ quan chức năng của Nghệ Tĩnh đặt vấn đề với Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn, với khoa học lịch sử Việt Nam, bằng con đường hợp tác khoa học để nhờ cơ quan lưu trữ quốc gia Pháp cung cấp cho chúng ta một bản chụp khối tư liệu đó. Việc làm này, theo chúng tôi nghĩ, trong hoàn cảnh hiện nay có thể thực hiện được.
G S. Đinh Xuân Lâm
(Đại học Quốc gia Hà Nội)