Nếu Nghệ An là đất học thì Diễn Châu là đất Văn chương và Khoa bảng. Văn học dân gian ở đây còn truyền tụng câu đối nôm về sự đỗ đạt của gia đình họ Ngô, họ Đặng như sau:
Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữaÔng đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà.
Đấy là họ Ngô ở Lý Trai liên tiếp bốn đời đỗ 5 tiến sĩ, họ Đặng ở Nho Lâm ba cha con đỗ đại khoa, hai anh em đỗ đồng khoa. Đấy là những dòng họ có nhiều người đỗ đạt cao như họ Nguyễn Xuân ở Diễn Thái, họ Cao Xuân ở Diễn Thịnh, họ Trần Huy ở Diễn Phong, v.v… Những tên tuổi đại khoa của Diễn Châu như Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa, Nguyễn Trung Mậu, Cao Xuân Dục, Đặng Văn Thụy, Nguyễn Xuân Ôn… đã làm rạng danh cho vùng đất văn hiến quê nhà. Ngày nay, nhiều người con của Diễn Châu đã trở thành giáo sư, tiến sĩ hoặc giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như Chu Mạnh, Cao Cự Bội, Đặng Thị Hồng Vân, Trương Đình Tuyển, Hồ Xuân Hùng, Ngô Quang Xuân, Trần Nguyên Trực, Nguyễn Bá Thước, v.v… Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật và khoa học, sau hai đợt đã có 4 người Diễn Châu được trao giải, đó là giáo sư Cao Xuân Huy, nhà văn hóa Cao Huy Đỉnh, giáo sư TS nông học Phạm Văn Tân (Diễn Thịnh) và giáo sư Lê Huy Thước (Diễn Quảng). Diễn Châu cũng là đất đóng góp cho nước nhà rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa, điện ảnh… Nhiều người đã và đang giữ những trọng trách trong các cơ quan văn nghệ như Trần Hữu Thung, Lê Hàm, Lê Phức, Đặng Thanh Hương, Võ Văn Trực, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Thái Sơn, Nguyễn Thị Phước, v.v… Có thể nói, Diễn Châu có một tiềm năng văn chương và khoa bảng vô cùng phong phú và đặc sắc.
Từ xưa, Khoa bảng bao giờ cũng gắn liền với Văn chương hiểu theo nghĩa rộng. Trong tham luận ngắn này, tôi chỉ muốn dành riêng để nói về truyền thống văn chương của vùng đất Diễn Châu từ nửa cuối thế kỷ XX tới hôm nay.
- Diễn Châu là một vùng đất có truyền thống văn nghệ lâu đời. Những huyền thoại ông Đùng – ông Khổng Lồ (dùng sợi tóc buộc vào núi rồi gánh núi đi lấp biển), cố Bợ (dùng nón làm thuyền vượt biển đi lấy lửa của mặt trời)… nói lên trí tưởng tượng tuyệt vời của người dân quê ta. Diễn Châu cũng có một kho tàng ca dao hò vè, dân ca, chuyện trạng, với những sinh hoạt văn nghệ dân gian diễn xướng rất nổi tiếng, còn tồn tại đến ngày nay. Nhiều đội văn nghệ được thành lập trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, sáng tác thơ ca, hò vè, dân ca, nhạc mới, kịch phục vụ kháng chiến và sinh hoạt của nhân dân rất hiệu quả. Những đội văn nghệ Diễn Minh, Diễn Bình có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng ở Trung ương trong các kỳ hội diễn đã chứng minh khả năng văn nghệ xuất sắc của quần chúng. Từ trong kháng chiễn chống Pháp, bài thơThăm lúa của nhà thơ Trần Hữu Thung đã đoạt giải thưởng quốc tế tại Bucaret (1953). Bộ phim truyện đầu tiên của xưởng phim truyện Việt Nam Chung một dòng sông có người Diễn Châu là đồng tác giả. Vở chèo Cô gái sông Lam nổi tiếng, được Bác Hồ khen cũng là do người Diễn Châu sáng tác. Ca khúc Làng Quan Họ quê tôi được làm nhạc hiệu của tỉnh Bắc Ninh, được dàn nhạc giao hưởng Laizich trình diễn tại Đức và được biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới không phải là sáng tác của người Bắc Ninh, mà là sáng tác của người Diễn Châu. Nhiều học giả, dịch giả quê Diễn Châu từ rất sớm đã nghiên cứu những đề tài quan trọng về văn học, triết học phương Đông, hoặc dịch những bộ trường ca sử thi lớn của Ấn Độ, hay bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và Hòa bình của Liên Xô. Mấy năm nay, Chi hội Văn Nghệ Diễn Châu được thành lập, ra được tập san Văn Nghệ Diễn Châu bề thế, là một sự kiện trọng đại trong đời sống văn nghệ huyện nhà. Trong nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật nước ta, chỉ tính riêng về ngành văn học, người Diễn Châu đã có những đóng góp đáng kể. Sách Nhà văn Việt Nam hiện đại ghi tên những nhà văn là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, có tỉnh chỉ có 5 nhà văn, vậy mà con số nhà văn quê Diễn Châu đã có tới gần 20 người. Điều đó cũng phần nào nói lên truyền thống văn chương của Diễn Châu là vô cùng phong phú.
- Đội ngũ những người sáng tác văn học Diễn Châu dù làm việc ở huyện nhà, tỉnh nhà hay nhiều nơi trên đất nước đều có chung một quê hương, đấy là nơi chôn rau cắt rốn của mình, hay là nơi đăng ký hộ khẩu để làm một công dân Diễn Châu. Những tác giả tại chỗ đã có Chi hội Văn nghệ riêng để sinh họat có nhiều cái tên đã trở thành quen thuộc như Nguyễn Nghĩa Nguyên, Phan Tường Hy, Đặng Quang Liễn, Cao Xuân Thưởng, Nguyễn Đăng Chế, Mai Trọng Quế, Quang Hồng, Thái Doãn Chất, Bùi Ngọc Can, Nguyễn Trọng Bản, Thanh Hải, v.v… Những tác giả làm việc ở tỉnh như Trần Hữu Thung, Nguyễn Trung Phong, Đậu Kỷ Luật, Cảnh Nguyên, Lê Thái Sơn, Nguyễn Thị Phước, Nguyễn Long… Những tác giả sống xa quê thật là đông đảo: Cao Xuân Huy, Cao Huy Đỉnh, Cao Xuân Hạo, Thanh Châu, Sơn Tùng, Đào Xuân Tùng, Võ Văn Trực, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Hương, Thái Bá Tân, Hoàng Ngọc Hà, Võ Thị Hảo, Hoàng Hữu Các, Thiếu Anh, Chu Thăng, Tú Sót (Chu Thành), Nguyễn Trung Anh, Nguyễn Hồng Thái, Văn Công, Phạm Quốc Ca, Trương Đăng Dung, Thái Chí Thanh, v.v… Trên mỗi lĩnh vực văn, thơ, kịch, nghiên cứu, dịch thuật… những nhà văn Diễn Châu đều đóng góp cho quê hương, đất nước nhiều tác phẩm có giá trị. Nếu tập hợp lại đầy đủ, chắc huyện nhà sẽ có một tủ sách lớn, thật đáng tự hào.
- Trong hoạt động văn học cả nước, Hội Nhà Văn Việt Nam chưa kết nạp được hết tất cả những nhà văn xuất sắc của đất nước, nhưng những nhà văn đã là hội viên Hội Nhà Văn cũng phần nào chứng tỏ được sự đóng góp của mình cho văn học nước nhà. Diền Châu có trên 20 hội viên Hội NVVN.
Trước tiên là nhà văn lão thành Thanh Châu. Ông tên thật là Ngô Hoan, sinh năm 1912, quê xã Diễn Hồng. Ông làm báo, viết truyện cùng thời với Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng trước năm 1945. Hồi đó ông đã từng làm thư ký tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy, từng cho in bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn của TTKH mà tên tác giả này vẫn còn là điều bí ẩn cho tới hôm nay. Tới kháng chiến chống Pháp, ông tham gia quân đội, phụ trách báo Vệ Quốc Quân, rồi làm các báo Văn Nghệ, báo Văn. Tập truyện ngắn đầu tay của ông xuất bản năm 1936 có tên là Trong bóng tối. Sau đó là các tập truyện ngắn và tiểu thuyết Người thầy thuốc (1938), Tà áo lụa (1942), Cái ngõ tối(1944); các phóng sự dài: Những ngày trao trả tù binh (1954), Không rời quê hương(1955) và 2 tập truyện thiếu nhi nổi tiếng: Cún số 5 (1942), Vàng (1950)… Năm 1999 tôi đã đến thăm ông tại căn hộ nhỏ đường Trần Quốc Tỏan, Hà Nội. Ông mừng như gặp lại quê nhà, và kể rằng, ông chỉ sống ở quê có mấy năm tuổi thơ, nhưng nay gần 90 tuổi vẫn còn nhớ những cánh đồng đất cát pha, đậu lạc ngô lúa bốn mùa tươi tốt. Và ông lấy bút danh Thanh Châu là để mãi nhớ về quê hương Diễn Châu quanh năm xanh tươi. Hồi đó ông ở với gia đình cô con gái có tên là Quỳnh Châu, là đạo diễn của Đài Truyền hình Việt Nam.
Nhà thơ Trần Hữu Thung sinh năm 1923 tại xã Diễn Minh. Mất năm 1999. Ông thi đỗ xuất sắc vào trường Quốc học, được vua Bảo Đại ban thưởng cuốn Truyện Kiều, nhưng ông đã từ chối không nhập trường mà ở lại quê tham gia Cách mạng, làm chủ tịch xã, rồi thoát ly làm cán sự Văn hóa Liên khu IV. Từ đó ông làm ca dao, làm thơ phục vụ kháng chiến. Bài thơ Thăm lúa được tặng giải nhất tại liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới 1953 đã đưa tên tuổi ông vào văn học Việt Nam. Nhưng không chỉ có vậy, Trần Hữu Thung đã sáng tác và viết nghiên cứu với rất nhiều những tác phẩm khác mang đậm tâm hồn và ngôn ngữ của nông thôn Diễn Châu quê ông. Đấy là các tập thơ: Đồng tháng Tám (1955), Dặn con (1955), Ngày thu ấy (1957), Gió Nam (1962),Hai Tộ hò khoan (1961), Chị Nguyễn Thị Minh Khai (1961), Đất quê mình (1971), Tiếng chim đồng (1975), Anh vẫn hành quân (1983), Sen quê Bác (1985); các tập bút ký: Vinh rực lửa (1969), Ký ức đồng chiêm (1988), Hồi ức về săn bắn (1996). Ngoài ra ông còn viết kịch bản phim Ngày ấy bên sông Lam (1980), tiểu luận Tôi làm ca dao (1959), Tiếng hát ru (1975), sưu tầm Ca dao về Bác Hồ, Giai thoại văn học ở Nghệ Tĩnh, và Từ điển tiếng Nghệ (soạn chung với Thái Kim Đỉnh). Ông còn được tăng nhiều giải thưởng giá trị khác như: Giải thưởng Hội Văn Nghệ Việt Nam 1954-1955, giải nhất bút ký báo Văn Nghệ và Đài TNVN 1986. Ông từng giữ nhiều chức vụ trong văn nghệ như Ban chấp hành Hội Nhà văn VN, Hội trưởng Hội văn nghệ Nghệ An khóa đầu tiên, Chủ tịch Hội VHNT Nghệ Tĩnh.
Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928 tại xã Diễn Kim. Ông tham gia Thanh niên Cứu Quốc kháng chiến chống Pháp. Năm 1955 là đại biểu dự Đại hội Thanh Niên Sinh Viên thế giới tại Ba Lan. Ông từng là phóng viên “vượt Trường Sơn” vào tận Nam Bộ, rồi bị thương nặng năm 1971, là thương binh loại 1/4 được tiêu chuẩn có người phục vụ, nhưng ông vẫn sáng tác sung sức. Bài thơ Chiếc nón bài thơ của ông được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng. Ông xuất bản nhiều tập truyện thơ, truyện danh nhân, truyện ngắn và tiểu thuyết như: Bà mẹ làng Kim, Nhớ nguồn, Người vẽ cờ Tổ Quốc, Con người và con đường, Lõm, Hoa dâm bụt. Đặc biệt ông tâm đắc nghiên cứu và viết sách về Bác Hồ, và tiểu thuyết Búp sen xanh của ông đã được tái bản nhiều lần và được giải thưởng đặc biệt của Trung ương Đoàn TNCSHCM. Ông hiện sống với người vợ tự nguyện lấy thương binh tại nhà A1 khu tập thể Văn Chương, Hà Nội. Trong phòng viết của ông có bàn thờ Bác Hồ, bàn thờ Tứ thân phụ mẫu (bố mẹ ông và bố mẹ vợ). Sơn Tùng là nhà văn giàu bản lĩnh và luôn giữ Đạo nước, Đạo nhà và Đạo văn chương. Mỗi lần gặp ông như gặp một tấm gương Đạo Nghĩa, nhưng cũng rất gần gũi như một người anh lớn. Ông được Chủ tịch nước phong danh hiệu Anh hùng lao động.
Nhà thơ Võ Văn Trực sinh năm 1936 tại xã Diễn Bình. Có lẽ anh cũng như nhà thơ Trần Hữu Thung bên lèn Hai Vai, suốt đời đau đáu ngẫm ngợi, cày xới trên trang giấy về một vùng văn hóa quê nhà. Anh làm thơ, viết ký, vết tiểu luận, nghiên cứu sưu tầm và đã xuất bản trên 20 cuốn sách: Trận địa quê hương, Người anh hùng đất Hoan Châu, Ngày hội của rạng đông, Trăng phù sa, Tiếng ru đồng nội, Trăng trong vườn bão, Truyền thuyết nui Hai Vai, Những thi sĩ dân gian, Những dấu chân lịch sử, Cố Bợ, v.v… Mỗi lần gặp anh là mỗi lần nói chuyện làng quê, về truyền thống văn hóa và cách mạng của quê hương. Anh như một khối đau đớn khi nói về những hiện tượng văn hóa làng quê bị tàn phá. Chính vì thế mà bài bút ký “Tiếng kêu cứu của một vùng văn hóa” và tiểu thuyết “Chuyện làng ngày ấy” của anh đã làm lay động lòng người. Anh đã tâm sự: “Tôi khao khát bằng ngòi bút của mình góp phần xây dựng lại gương mặt đẹp đẽ của tổ tiên, cha ông để các thế hệ con cháu tự hào và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của quê hương mình”. Và anh đã làm, đang làm để thực hiện khao khát đó bằng những cuốn sách của mình. Võ Văn Trực là một người không bao giờ chịu lùi trước những cám dỗ của những kẻ cơ hội xúc phạm đến nhân cách con người. Vì thế mà ông có tiểu thuyết Vết dẹo và cáI đầu hói. Võ Văn Trực đã 2 lần đoạt giải thưởng Hội Nhà Văn VN.
Ở xã Diễn Thịnh có 2 nhà văn Họ Cao, đó là Cao Huy Đỉnh và Cao Xuân Hạo. (Trong cuốn Nhà văn hiện đại do Hội nhà văn xuất bản năm 1997 ghi nhà văn Cao Xuân Hạo “quê gốc: Hà Nội” là sai). Nhà văn Cao Xuân Hạo sinh năm 1930. Học ở Huế rồi tham gia quân đội trong kháng chiến chống Pháp. Sau 1954 ông tốt nghiệp Đại Học Văn khoa Hà Nội rồi ở lại giảng dạy khoa ngôn ngữ. Ông giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga. Từng sáng tác một số ca khúc trong kháng chiến, nhưng sự nghiệp văn chương của ông chủ yếu là dịch sách văn học. Những cuốn sách của ông dịch rất nổi tiếng như: Người con gái viên đại úy (1959), Chiến tranh và hòa bình (1962), Chuyện núi đồi và thảo nguyên (1963), Truyện ngắn Gorki (1966), Con đường đau khổ (1973),Tội ác và trừng phạt (1983), Đèn không hắt bóng (1986), Papilon và Khải hoàn môn(1988), v.v… Ông dịch rất nhiều sách tiếng Nga bằng tự học trong vòng 6 tháng, nhưng với trí thông minh và sự am hiểu tường tận về văn học, văn hóa cộng với lối hành văn rất trong sáng, sách dịch của ông thật hấp dẫn. Hiện nay ông là giáo sư ngôn ngữ, tuy đã hơn 70 tuổi vẵn tham gia giảng dạy ở Đại học thành phố Hồ Chí Minh. Nhà văn Cao Huy Đỉnh hơn Cao Xuân Hạo 3 tuổi. Ông là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian có đóng góp xuất sắc với cuốn “Tìm hiểu tiến trình văn hóa dân gian” rất nổi tiếng; đồng thời ông cũng là một nhà dịch thuật nhạy cảm với các tập thơ có giá trị như thơ Tagor (1961), Mahabharata (1979), Sơkuntơla (1962), v.v… Cao Huy Đỉnh từng làm Trưởng ban nghiên cứu Đông Nam Á của UNKHXH Việt Nam, và đã từng được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996.
Ở xã Diễn Lộc có 2 nhà văn là Thái Bá Tân và Hoàng Hữu Các. Anh Thái Bá Tân sinh năm 1950 và tốt nghiệp Đại Học Ngoại Ngữ ở Maxcơva 1974. Anh đã dịch và cho xuất bản khoảng 30 tập thơ, văn từ tiếng Anh và tiếng Nga sang tiếng Việt .Nhưng anh cũng là một người sáng tác rất khỏe, và đã cho in tới cả nghìn trang sách: Thơ sáu câu, Bàn tay hình chiếc lá, Thơ chọn lọc, Truyện ngắn Thái Bá Tân.v.v… 50 tuổi, anh xin nghỉ việc cơ quan Nhà nước để tự mình làm những công việc mình thích như viết sách, dạy học. Gần đây anh tự bỏ tiền để tổ chức cho gia đình đi tham quan ở Mỹ. Anh nói rằng, người Diễn Châu có con em thích học tiếng Anh cứ gửi tới lớp của anh, anh sẽ dạy miễn phí. Đấy là một cử chỉ đẹp của anh đối với truyền thống hiếu học của quê hương. Còn nhà văn Hoàng Hữu Các sinh năm 1946, từng là bộ đội thuộc quân chủng Phòng không – Không quân. Anh là một nhà văn sắc sảo và bộc trực. Các tập sách của anh như tiểu thuyết Trên không yên tĩnh, Câu chuyện không định viết và Ký sự Sư đoànđều gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Anh cũng là một cây bút báo chí xông xáo và nhạy bén. Đã từng đoạt giải thưởng bút ký của báo Văn Nghệ và Đài TNVN.
Nhà thơ Lê Thái Sơn sinh năm 1949 tại xã Diễn Hoa. Anh tốt nghiệp đại học Tổng hợp Văn Hà Nội 1972, về công tác tại Sở Văn Hóa Nghệ An, rồi làm Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, Ủy viên Ủy ban toàn quốc liên hiệp VHNTVN từ 1997 đến nay. Lê Thái Sơn bước vào làng văn bằng những bài thơ viết cho thiếu nhi, và cho đến nay anh đã xuất bản 3 tập thơ cho tuổi nhỏ: Sao Hôm sao Mai (1984), Mùa na chín (1997), Cất nắng(2005) và đã đoạt giải thưởng của Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà Văn VN 1996-1997. Nhưng anh cũng viết nhiều thơ cho người lớn với nhiều tứ thơ độc đáo, hóm hỉnh và giàu tâm trạng qua 2 tập thơ Gốc cây rừng trong mơ (1990) và Tháng giêng xanh(2000). Ngoài ra anh còn có tập truyện Cổ tích ở làng (2004), và nhiều chuyên khảo về văn hóa dân gian xứ Nghệ. Anh cũng là nhà văn có nhiều thành tựu và được nhận khá nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương: Giải thưởng báo Giáo Dục và Thời Đại, báo Thiếu niên Tiền Phong, báo Tiền Phong, 2 giải thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp VHNTVN, 3 giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương.
Có 4 nhà văn nữ là Thanh Hương ( tức Đặng Thị Xuân- người Diễn Hoa), Hoàng Ngọc Hà (Diễn Cát), Võ Thị Hảo (Diễn Bình) và Nguyễn Thị Phước (Diễn Xuân). Cả 4 đều làm “Quan”. Thanh Hương là Phó chủ nhiệm ủy ban văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội, Hoàng Ngọc Hà là Tổng thư ký hội nhà văn Hà Nội. Võ Thị Hảo là Trưởng ban biên tập báo Gia đinh và tuổi thơ. Nguyễn Thi Phước là Chủ tịch Hội LHVHNT Nghệ An, Tổng biên tập tạp chí Sông Lam. Nhà văn Thanh Hương là một nhà viết kịch nổi tiếng với các tác phẩm Ngôi sao ban ngày (1972), Thung lũng tình yêu(1980), Vàng (1985), Đỉnh cao và vực thẳm (1991), Bài ca người mẹ (1995), Đời người giấc mộmg (1996), v.v… Gặp chị lúc nào cũng đon đả, vui tươi, nhưng ít khi gặp được lâu vì có thể là chị bận họp, cũng coa thể là chị bận sáng tác. Nhà văn Hoàng Ngọc Hà trông thật hiền hòa, chị đã từng làm Phó ban dân vận Thành ủy Hà Nội, nhưng văn của chị lại khá dữ dội và xót xa. Chị đã cho xuất bản một loạt tiểu thuyết như: Chuyện tình của người mẹ (1990), Hoa nước mắt (1993), Tia nắng mong manh (1994), Nỗi buồn im lặng (1995), v.v… Nhà văn Võ Thị Hảo ít gặp ở cơ quan vì chị thường bận đi phỏng vấn khá nhiều nhà lãnh đạo về các vấn đề phụ nữ và xã hội. Chị là một nhà báo viết rất khỏe và sâu, nhưng vẫn đều đều cho công bố những tác phẩm văn học được dư luận chú ý như Biển cứu rỗi (1992), Chuông vọng cuối chiều (1994), Truyện ngắn chọn lọc Võ Thị Hảo (1995), Một trăm cái dại của đàn ông (1993), v.v… Truyện ngắn Rừng cườicủa chị đã được chuyển thành vở diễn sân khấu, phim truyện và gây được ấn tượng mạnh. Gần đây nhất là tiểu thuyết Giàn thiêu dày 600 trang được dư luận đánh giá cao, và được Hội VHNT Hà Nội tặng giải thưởng. Nguyễn Thị Phước là một nhà văn trẻ về cả tuổi đời và giọng điệu. Ngòi bút của chị luôn xoáy sâu vào những vấn đề bức xúc của xã hội, những số phận bị vùi dập với một tình yêu trong trẻo mà đau đớn. Chị viết truyện ngắn, bút ký và làm thơ. Các tập thơ Tự ru, Lời cánh đồng, Cho đồng thơm gióvà các tập văn xuôi Chuyến tàu tháng bảy, Người tìm mật… đã khẳng định tư cách nhà văn của chị, một con người nghiêm khắc nhưng cũng giàu lòng vị tha. Nhờ vậy mà chị đã được nhận nhiều giải thưởng về văn học của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, giải thưởng Ủy ban toàn quốc liên hiệp VHNT Việt Nam, giải thưởng Nguyễn Du và giải thưởng Hồ Xuân Hương. Các chị không bao giờ dấu tuổi của mình, chị Hoàng Ngọc Hà sinh năm 1936, chị Thanh Hưong sinh năm 1939, chị Võ Thị Hảo sinh năm 1956, và chị Nguyễn Thị Phước sinh năm 1963.
Có dịp vào Phú Khánh (cũ) tôi may mắn được gặp nhà thơ Văn Công lúc ấy là quyền chủ tịch Tỉnh. Trứơc đó đọc thơ ông, tôi cứ tưởng ông là người miền Nam, hóa ra ông lại là người xã Diễn An. Tên thật của ông là Cao Xuân Thiêm, sinh năm1928. Ông phiêu bạt vào Nam từ năm 13 tuổi rồi tham gia kháng chiến ở vùng đất liên khu 5 .Hòa bình lập lại ông không tập kết ra Bắc mà tiếp tục ở lại tham gia cách mạng và làm thơ. Sau khi chia tỉnh Phú Khánh, ông làm chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Yên và sống ở thị xã Tuy Hòa. Ông đã xuất bản các tập thơ: Bất khuất (1964), Mảnh đất yêu thương(1978), Khúc hát miền quê (1985), Trước chiều gió (1995), Hương đêm (1996) và 2 tập bút ký Miền đât huyền thoại và Vùng đất lửa. Phần thơ của ông in chung trong tậpTiếng hát miền Nam được tặng giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu 1995. Ông nghỉ hưu tại thị xã Tuy Hòa.
Nhà thơ Phạm Quốc Ca sinh năm 1952 tại xã Diễn Kỷ. Hiện anh là tiến sĩ ngữ văn, giảng dạy tại trường Đại học KHXH và Nhân văn Đà Lạt. Phạm Quốc Ca tâm sự : “Mẹ tôi là con một ông đồ dạy chữ Hán ,sống lam lũ trên đồng ruộng .Người đã khóc chồng khi còn rất trẻ và chết đi ,sống lại khi anh tôi hy sinh ở chiến trường .Tình mẫu tử đặc biệt ấy của Mẹ dạy cho tôi biết yêu thương và từ đó là mầm mống để cho tôi trở thành nhà thơ”. Đúng như vậy, anh tên thật là Phạm Đình Ca, đến năm 12 tuổi tự đổi tên là Phạm Quốc Ca, rồi năm 18 tuổi vào bộ đội tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Thơ anh chân thật và khắc khoải tình quê hương, đồng nội. Anh đã xuất bản các tập thơ: Tiếng trầm (1987), Chân trời mở (1994), Làng trong nỗi nhớ (1996), vàNhững canh rừng những bài ca (2005). Phạm Quốc Ca còn dịch thơ và viết tiểu luận văn học và đã in thành tập Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000.
Nhà văn Thái Chí Thanh quê Diễn Hoa, hiện là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan là người viết tiểu thuyết và truyện dài cho thiếu nhi. Anh đã có nhiều sách và một số giải thưởng văn học. Từ Ba Lan anh vẫn gửi truyện ngắn về in trên báo Văn Nghệ.
Nhà văn Trương Đăng Dung sinh năm 1955 tại xã Diễn Trường, hiện là Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam là một nhà nghiên cứu lý luận văn học tầm cỡ hiện nay. Anh đã cho in một số cuốn sách nghiên cứu được đánh giá cao như cuốn Từ văn bản đến tác phẩm (1998), Tác phẩm văn học như là quá trình (2004). Anh cũng là người dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungari, và dịch một số tiểu thuyết và sách ngiên cứu của nước ngoài sang tiếng Việt nh: Lâu đài, Đứa trẻ mồ côi, Thằng điên và quỷ sứ, Trên đường đến với ngôn ngữ, Nghệ thuật và chân lý khách quan…
Tôi là đồng nghiệp của các anh, các chị. Tôi sinh ở xã Diễn Hoa. Vào bộ đội từ kháng chiến chống Mỹ, phụ trách một đoàn văn công xung kích thuộc Quân khu IV, rồi được quân đội cử đi học trường Đại học viết văn Nguyễn Du khóa I. Khi ra quân, công tác tại Huế, tham gia BCH Hội VHNT Thừa Thiên Huế. Sau 10 năm lại chuyển ra Hà Nội làm tạp chí Âm Nhạc của Hội nhạc sĩ VN, tham gia Hội đồng Thơ Hội Nhà Văn Việt Nam và trực tiếp làm trưởng ban biên tập báo Thơ của Hội từ 2003-2004. Tôi có xuất bản được 20 cuốn sách, trong đó có các tập thơ Sóng thủy tinh, Gửi người không quen, Đồng dao cho người lớn, Thơ trên máy chữ và Tản mạn thời tôi sống, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Ký ức mắt đen (song ngữ Việt-Anh), Thơ và trường ca, Nến trắng (tam ngữ Việt – Ba Lan – Anh)…; các tập trường ca Con đường của những vì sao, Tình ca người lính; các tập truyện Khoảnh khắc thời bình, Miền quê thơ ấu, Ban ca sĩ mùa hè; các tập tiểu luận Văn chương cảm và luận, Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ, v.v… Nói chung, tôi làm nhiều thứ, như viết báo, vẽ bìa sách, trình bày báo và sáng tác âm nhạc. Cũng đã xuất bản được một vài cuốn sách nhạc như Làng Quan Họ quê tôi, Tình khúc bốn mùa kèm theo đĩa CD chương trình ca nhạc. Về hội họa cũng đã vẽ hơn 500 bìa sách, tác giả thiết kế lá Cờ Thơ Việt Nam… Tôi cũng được tặng khá nhiều giải thưởng như các anh các chị: Giải thương thơ Nghệ An 1969, Giải thưởng báo Văn Nghệ, báo Nhân Dân, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, 2 giải thưởng VHNT Cố Đô, giải thưởng Ủy ban toàn quốc liên hiệp VHNT Việt Nam, giải thưởng Hồ Xuân Hương, 2 giải thương bìa sách của Bộ VHTT, và 10 giải thưởng về âm nhạc, giải thưởng Nhà nước về VHNT. Thú thực là tôi chưa làm được gì nhiều cho quê hương, cái vùng quê mà tôi đã viết thành bài hát hơn từ năm 1984:
Người ơi, dáng lèn Hai Vai đi mô mà nỏ nhớ
Nhắc con sông Bùng nghe sóng vỗ đầy vơi
Mảnh đất quê ta mang nặng tình đời
Con sông thương bóng núi để lòng người nhớ lâu…
Đấy cũng là đặc tính nổi bật của các nhà văn Diễn Châu, họ không bao giờ rời xa cội rễ quê hương của mình trong sáng tác. Những tên sông tên núi, tên đất, tên làng của quê hương luôn gắn bó và nâng đỡ tâm hồn họ. Tôi đọc được rất nhiều phẩm chất quê hương trong thơ văn của những nhà văn xứ sở sông Bùng lèn Hai Vai trung thực và bay bổng. Người ở quê, người xa quê, và cả những người đã khuất bóng … những nhà văn Diễn Châu luôn ấm áp trong tôi hình ảnh quê nhà. Đó cũng là truyền thống vĩnh hằng của những người con quê hương Diễn Châu, một vùng văn hiến lâu đời, một vùng văn chương và khoa bảng nối dài tới tương lai.
2005
https://hoingovanchuong.wordpress.com/2015/07/28/dien-chau-dat-van-chuong-va-khoa-bang/