Dân ca Ví, Giặm là “thổ sản” độc đáo trong kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh, thể hiện đậm nét bản sắc riêng của con người xứ Nghệ. Hát Ví, hát Giặm đã tồn tại hàng trăm năm nay trong đời sống nhân dân xứ Nghệ, được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Trong quá trình ấy có những làn điệu được giữ nguyên gốc nhưng cũng có những làn điệu được sáng tác, cải biên; có những giá trị là sáng tạo của nhân dân nhưng cũng có những giá trị là sáng tạo của giới văn nghệ sỹ chuyên nghiệp. Sự giao thoa ấy có mặt tích cực là phát triển dân ca Ví, Giặm ngày càng phong phú hơn nhưng cũng có mặt hạn chế là đưa dân ca Ví, Giặm ngày càng xa với giá trị nguyên gốc. Qua thử thách của thời gian, dân ca Ví, Giặm vừa được bảo tồn vừa biến đổi. Trong sự đan xen ấy cần có một phương pháp khoa học để nhận diện đúng giá trị nguyên gốc và bản sắc riêng của dân ca Ví, Giặm.
Đặc điểm của dân ca Ví, Giặm nói riêng và dân ca Nghệ Tĩnh nói chung là được hát trong khi lao động, trong đó hát Ví gắn với nghề quay xa kéo sợi của các cô gái xứ Nghệ, hát Giặm là hình thức sáng tác và diễn xướng ứng khẩu trong cuộc sống lao động của nhân dân. Từ sau cách mạng tháng Tám (1945), nhất là từ sau ngày hòa bình lập lại (1954), môi trường diễn xướng của hát Ví, hát Giặm không còn do đó hai hình thức sinh hoạt dân ca này bị mai một dần, chỉ còn trong ký ức các nghệ nhân. Trong bối cảnh đó, dân ca Ví, Giặm được phục hồi bằng công tác sưu tầm, nghiên cứu. Người có công đầu trong việc sưu tầm Hát phường vải là Cố PGS Ninh Viết Giao, nhà “Nghệ học” trọn đời gắn bó với văn hóa dân gian xứ Nghệ. Năm 1961, ông đã cho xuất bản công trình sưu tầm, nghiên cứu đầu tiên về Hát phường vải trong đó có trên 3.500 câu hát Ví được ghi lại bằng thể thơ lục bát. Năm 1993, tập sách “Hát phường vải” được Nhà xuất bản Nghệ An tái bản, tác giả đã bổ sung thêm hơn 1.500 câu thành bộ sưu tập hoàn chỉnh gồm 4.661 câu hát Ví. Trong phần tiểu luận, PGS Ninh Viết Giao đã khái quát những vấn đề cơ bản: nguồn gốc và quá trình phát triển của Hát phường vải, thủ tục của một cuộc Hát phường vải, con người xứ Nghệ qua nội dung trử tình của Hát phường vải, đặc tính của Hát phường vải, nghệ nhân dân gian trong làng Hát phường vải. Cho đến nay, “Hát phường vải” vẫn là công trình sưu tầm đầy đủ nhất, là cơ sở để nghiên cứu thể loại hát Ví trong dân ca Nghệ Tĩnh. Cùng với việc sưu tầm, nghiên cứu Hát phường vải, năm 1961-1962 công trình sưu tầm, nghiên cứu “Hát Giặm Nghệ Tĩnh” (2 tập) của Nguyễn Đổng Chi và Ninh Viết Giao được Nhà xuất bản Khoa học và Nhà xuất bản Sử học ấn hành. Theo quan điểm của hai tác giả, hát Giặm được chia làm hai loại: hát Giặm nam nữ (là hình thức nam nữ đối đáp trử tình) và Giặm vè (là hình thức kể chuyện). Qua phân tích những bài hát Giặm được sưu tầm, hai tác giả đã làm rõ những đặc điểm cơ bản của hát Giặm: được sáng tác và diễn xướng bằng hình thức ứng khẩu; hát có nhịp điệu, cấu trúc theo thể thơ 5 chữ hoặc 4 chữ, vần đi liền với nhau, sau mỗi đoạn liền vần đều có câu láy lại khác vần để gây ấn tượng; cách diễn xướng mang đậm nét thổ âm Nghệ Tĩnh… Cho đến nay, “Hát Giặm Nghệ Tĩnh” vẫn là công trình nghiên cứu đầy đủ nhất về hát Giặm, là cơ sở để tìm hiểu hình thức sáng tác và diễn xướng ứng khẩu này.
Hai công trình trên đây mới chỉ sưu tầm phần văn học (phần lời) của dân ca Ví, Giặm chưa sưu tầm phần âm nhạc (các làn điệu). Nhạc sỹ Lê Hàm là người đầu tiên sưu tầm, ghi âm các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh bằng các bản nhạc. Năm 1970, Ty Văn hóa Hà Tĩnh xuất bản cuốn “Dân ca Hà Tĩnh” gồm 30 làn điệu dân ca được ghi lại cả nhạc và lời, trong đó thể hát Ví có 5 làn điệu, thể hát Giặm có 2 làn điệu, thể Hò có 5 làn điệu. Gọi là dân ca Hà Tĩnh nhưng các làn điệu đều phổ biến ở Nghệ An nên đó là dân ca Nghệ Tĩnh. Công trình sưu tầm đầy đủ nhất các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh (bao gồm cả dân ca miền xuôi và dân ca miền núi) là cuốn “Âm nhạc dân gian Xứ Nghệ” của ba tác giả: Lê Hàm, Hoàng Thọ, Thanh Lưu (Lê Hàm chủ biên) được Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An xuất bản năm 2000. Trên cơ sở các làn điệu dân ca do nhiều người sưu tầm và ghi âm, các tác giả đã tập hợp thành tập sách hoàn chỉnh, mỗi làn điệu đều ghi rõ người ghi âm và người hát. Trong phần dân ca miền xuôi có 10 nhóm, trong đó 7 nhóm được xem là dân ca Nghệ Tĩnh gồm: thể Hò, thể Ví, thể hát Giặm, thể hát Ru, hát Đồng dao, hát Sắc bùa, hát Thờ cúng dân gian; 3 nhóm được gọi là “họ lai” gồm: hát Chèo ở Nghệ tĩnh, hát Ca trù ở Nghệ Tĩnh, hát Xẩm ở Nghệ Tĩnh. Trong các nhóm dân ca Nghệ Tĩnh, thể hát Ví và hát Gặm được gọi là “thổ sản” của xứ Nghệ, chỉ ở Nghệ Tĩnh mới có. Thể hát Ví được ghi âm 13 làn điệu, thể hát Giặm được chia thành hai nhóm là hát Giặm nam nữ và hát Giặm vè, được ghi âm 7 làn điệu. Mặc dù cách phân chia làn điệu trong tập sách này chưa thật khoa học nhưng đã ghi lại một cách tổng thể (bằng các bản nhạc) những làn điệu cơ bản của dân ca Nghệ Tĩnh, là nguồn tư liệu âm nhạc để tiếp tục nghiên cứu về dân ca Ví, Giặm. Năm 2000, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh cũng xuất bản công trình sưu tầm, nghiên cứu “Dân ca Nghệ Tĩnh” của cố nhạc sỹ Vi Phong, gới thiệu tổng quát các làn điệu dân ca được lưu hành rộng rãi ở cả hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngoài các công trình sưu tầm, nghiên cứu trên đây còn có nhiều bài sưu tầm, khảo cứu dân ca Nghệ Tĩnh được in chung trong các công trình sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam hoặc in trên các tạp chí chuyên ngành. Như vậy, dân ca Ví, Giặm nói riêng và dân ca Nghệ Tĩnh nói chung được sưu tầm khá sớm với những công trình nghiên cứu rất công phu. Chính nhờ công tác sưu tầm, nghiên cứu mà dân ca Ví, Giặm được bảo tồn vượt qua thử thách của thời gian để tồn tại đến ngày nay.
Tuy nhiên, nếu việc bảo tồn dân ca Ví, Giặm chỉ được thực hiện bằng công tác sưu tầm thì di sản độc đáo này cũng chỉ được ghi lại bằng văn bản (văn học và âm nhạc), không được lưu truyền trong cuộc sống đương đại. Điều may mắn là ở Nghệ An cũng như Hà Tĩnh, dân ca Ví, Giặm đã đi vào đời sống đương đại bằng hai hình thức: phổ cập trong phong trào văn nghệ quần chúng và đưa lên sân khấu chuyên nghiệp. Hai hình thức bảo tồn này đã làm cho dân ca Ví, Giặm phát triển phong phú hơn, khắc phục được những hạn chế của dân ca Nghệ Tĩnh về mặt âm nhạc như: nghèo nàn về làn điệu, đơn giản về khúc thức, bài bản… Nhưng cũng từ đó làm cho dân ca Ví, Giặm ngày càng xa rời giá trị nguyên gốc cổ truyền.
Trong thời kỳ bao cấp, ở Nghệ Tĩnh (khi chưa tách tỉnh) cũng như ở Nghệ An, Hà Tĩnh sau này, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rất rầm rộ. Thời kỳ đó, một quy định chung được thực hiện trong các cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng là tỷ lệ các tiết mục hát dân ca phải đạt từ 50% trở lên (trừ các cuộc liên hoan ca khúc chính trị), có những hội diễn chuyên về hát dân ca. Từ yêu cầu đó, nhu cầu tiết mục dân ca cho các chương trình văn nghệ quần chúng rất lớn. Trên cơ sở các làn điệu dân ca đã được sưu tầm, các tác giả văn nghệ không chuyên và một số tác giả chuyên nghiệp đã viết các tiết mục dân ca theo nguyên tắc: dựa trên những làn điệu đã có để viết lời mới. Tùy theo yêu cầu biểu diễn mà các tiết mục dân ca được viết theo nhiều hình thức: một người hát gọi là đơn ca, một tốp hát kết hợp với múa được gọi là hoạt ca, một nhóm nhân vật hát và diễn một câu chuyện đơn giản được gọi là hoạt cảnh, nam nữ hát đối đáp với nhau qua một câu chuyện trữ tình gọi là đối ca. Các chương trình văn nghệ quần chúng thường có một vở kịch ngắn được viết dưới hình thức kịch dân ca. Đây chính là mầm mống để sau này đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thể nghiệm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh. Thời kỳ đó, xã Diễn Bình (huyện Diễn Châu, Nghệ An) là cái nôi của văn nghệ quần chúng, trong đó nhóm tác giả Nguyễn Trung Phong, Nguyễn Trung Giáp, Nguyễn Trung Đính đã sáng tạo những vở kịch ngắn dân ca đặc sắc như: “Khi ban đội đi vắng”, “Không phải tôi”. Chính tác giả Nguyễn Trung Phong khi viết vở kịch ngắn “Khi ban đội đi vắng” đã sáng tạo bài hát “Giận Thương” kết hợp một cách tài tình hai làn điệu hát Ví và hát Giặm. Bài hát “Giận Thương” đã đi vào lòng quần chúng nhân dân như một làn điệu gốc, không ai biết đó là sáng tác của một tác giả. Việc phổ cập dân ca Nghệ Tĩnh trong phong trào văn nghệ quần chúng đã làm cho dân ca Ví, Giặm phong phú hơn, bởi ngoài các làn điệu nguyên gốc, một số làn điệu mới đã được cải biên, phát triển và sử dụng rộng rãi; nhưng cũng từ đó bắt đầu có dấu hiệu xa các làn điệu nguyên gốc cổ truyền. Cho đến khi dân ca Ví, Giặm được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp thì xu hướng xa rời giá trị nguyên gốc ngày càng rõ nét hơn.
Việc đưa dân ca Ví, Giặm lên sân khấu được manh nha trong phong trào văn nghệ quần chúng từ những năm 60 của thể kỷ trước. Năm 1970, tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn Quốc, vở “Không phải tôi” của Nguyễn Trung Giáp (là vở kịch dân ca của văn nghệ quần chúng được đoàn văn công chuyên nghiệp dàn dựng) đạt Huy chương vàng đánh dấu bước mở đầu của sự nghiệp sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh. Trong hành trình 30 năm (1972-2002) Đoàn Dân ca Nghệ An, đã dàn dựng thành công trên 40 vở kịch dân ca Nghệ Tĩnh, có nhiều vở đạt Huy chương Vàng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn Quốc. Dân ca Ví, Giặm đã làm rạng danh cho sân khấu chuyên nghiệp tỉnh nhà với nhiều vở diễn đặc sắc được giới sân khấu chuyên nghiệp cả nước ghi nhận. Trong quá trình dàn dựng các vở diễn kịch hát dân ca, các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh đã được khai thác triệt để. Ngoài những làn điệu đã được các nhạc sỹ sưu tầm ghi âm, các nghệ sỹ, nhạc công của Đoàn Dân ca còn dày công sưu tầm các làn điệu dân ca được lưu truyền trong nhân dân. Theo NSƯT Nguyễn Đình Bảo cho biết thì để lồng điệu cho các vở diễn kịch hát, Đoàn Dân ca đã sưu tầm 39 làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh được phân làm 4 nhóm: nhóm Ví gồm 15 làn điệu, nhóm Giặm gồm 8 làn điệu, nhóm Hò gồm 16 làn điệu, nhóm “họ lai” gồm 28 làn điệu. Trong các chương trình văn nghệ quần chúng, các tiết mục hát dân ca đều mang tính diễn xướng, chỉ có đối ca và kịch ngắn dân ca mang tính kịch. Khi đưa dân ca vào các vở diễn chuyên nghiệp, các làn điệu dân ca không còn là hình thức diễn xướng mà trở thành phương tiện để thể hiện tính cách nhân vật và tình huống kịch. Do đó việc cải biên, phát triển các làn điệu dân ca được đặt ra như một đòi hỏi tất yếu. Tính cách nhân vật càng phong phú, tình huống kịch càng phức tạp thì yêu cầu cải biên, phát triển các làn điệu dân ca càng lớn. Theo nhạc sỹ Thanh Lưu thì: “Dân ca vốn dĩ thuộc loại hình văn học dân gian, dù hát ở môi trường lao động hay trong các sinh hoạt dân dã, dù hát trên sân khấu ca nhạc thuần túy hay trên sóng phát thanh truyền hình, thì người hát bao giờ cũng mang “cái tôi” của chính mình. Còn khi đã đưa dân ca vào vở diễn với tư cách là một thành tố, thì người hát phải mang “cái tôi” của nhân vật. Như vậy tính năng gốc của dân ca, muốn hay không cũng phải chuyển hóa cho phù hợp với tính kịch”. Chính sự chuyển hóa này đã giải thích vì sao khi đưa dân ca lên sân khấu, nhiều làn điệu gốc đã được cải biên, phát triển và viết thành bài hát mới. Nhạc sỹ Hồ Hữu Thới cho biết: “30 năm thể nghiệm âm nhạc, chúng ta đã sáng tác được 150 làn điệu mới, bài hát cải biên phát triển dân ca, trong đó có khoảng 50 bài (1/3) có tính đa dùng. Hơn 40 vở dài, ngắn khác nhau đã thể nghiệm với tỷ lệ 50- 60% làn điệu gốc, 40- 50% làn điệu cải biên, bài hát mới có tính đa dùng và chuyên dùng. Đặc biệt đã có vở thể nghiệm đến 80% làn điệu gốc và bài hát cải biên gần gốc, chỉ có 20% là nhạc nền và bài hát chuyên dùng: Chuyện tình ông vua trẻ. Ngược lại, có vở đã thể nghiệm từ 60 - 70% bài hát chuyên dùng, 40% còn lại là làn điệu gốc và bài hát cải biên gần gốc có tính đa dùng: Danh nhân lớn lên từ câu hò Ví, Giặm”. Như vậy, từ tính năng gốc của dân ca là hình thức diễn xướng của nhân dân trong môi trường lao động đến tính kịch của dân ca được đưa lên sân khấu để thể hiện tính cách nhân vật và tình huống kịch là một quá trình “chuyên nghiệp hóa” dân ca Ví, Giặm. Trong quá trình đó, hiện tượng dân ca Ví, Giặm ngày càng xa rời giá trị nguyên gốc là điều không tránh khỏi. Sẽ là cực đoan nếu cho rằng việc sân khấu hóa dân ca đã “đánh bóng mạ kền” các làn điệu dân ca Ví, Giặm nhưng phải thấy một thực tế là dân ca Ví, Giặm đã mất dần bản sắc cổ truyền khi được chuyên nghiệp hóa trong các vở diễn.
Để trở về với cội nguồn dân ca Ví, Giặm ngành văn hóa hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã có sáng kiến thành lập các Câu lạc bộ dân ca. Hiện nay ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có hàng trăm Câu lạc bộ dân ca đang hoạt động. Tham gia Câu lạc bộ dân ca là các nghệ nhân thuộc nhiều thế hệ, trong đó nhiều nghệ nhân trẻ là diễn viên văn nghệ quần chúng (riêng Nghệ An có 870 nghệ nhân). Câu lạc bộ dân ca là nơi truyền thụ, phổ biến các làn điệu dân ca và tổ chức sinh hoạt dân ca đáp ứng nhu cầu giao lưu của nhân dân. Các câu lạc bộ này đều chỉ hát dân ca, gồm cả làn điệu gốc và những làn điệu cải biên. Với hình thức sinh hoạt đó, các Câu lạc bộ dân ca đã kéo công chúng về với cội nguồn dân ca Ví, Giặm. Năm 2012, Liên hoan dân ca Ví, Giặm lần đầu tiên được tổ chức ở các cụm huyện của Nghệ An sau đó được tổ chức Liên hoan chung của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Khác với các chương trình văn nghệ quần chúng trước đây, chương trình của các Câu lạc bộ dân ca tham gia Liên hoan đều hát những làn điệu dân ca nguyên gốc và những làn điệu cải biên đã trở thành phổ biến. Các diễn viên đều mặc trang phục cổ truyền của người dân xứ Nghệ; con trai mặc quần áo nâu, con gái măc váy thâm, yếm đào, đầu chít khăn; không gian sân khấu dựng lại những đêm hát phường vải, những buổi cày cấy ngoài đồng, những chuyến đò sang sông, trai gái cùng nhau hát Ví, hát Giặm.
Câu lạc bộ dân ca là một hình thức bảo tồn dân ca Ví, Giặm với xu hướng trở về cội nguồn. Tuy nhiên, hình thức bảo tồn này vẫn còn những hạn chế. Hầu hết các nghệ nhân hát dân ca đều là diễn viên văn nghệ quần chúng còn trẻ, có người chưa thuộc hết các làn điệu dân ca. Nhiều tiết mục tham gia Liên hoan dân ca Ví, Giặm do các nghệ sỹ chuyên nghiệp dàn dựng cho các Câu lạc bộ dân ca. Ngày xưa các nghệ sỹ biết hát dân ca là nhờ các nghệ nhân truyền dạy. Ngày nay các nghệ nhân được các nghệ sỹ hướng dẫn cách hát dân ca. Với cách bảo tồn “ngược” như thế liệu có trở về đúng giá trị nguyên gốc của dân ca Ví, Giặm? Cùng với việc thành lập các Câu lạc bộ dân ca, Nhà hát dân ca cũng được nâng lên thành Trung tâm bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Phải chăng, qua mấy chục năm mải mê với sự nghiệp sân khấu hóa dân ca, chúng ta đã bỏ quên nhiệm vụ bảo tồn di sản dân ca Ví, Giặm nguyên gốc của cha ông để lại. Muộn còn hơn không, chúng ta hy vọng với xu hướng trở về cội nguồn, dân ca Ví, Giặm sẽ được bảo tồn đúng giá trị nguyên gốc. Để khép lại bản tham luận này xin có mấy đề xuất nhỏ sau đây:
Một, từ các làn điệu dân ca được sưu tầm, ghi âm và được quần chúng hát rộng rãi, cần tập hợp đầy đủ và sắp xếp một cách khoa học để có một hệ thống làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh thật chuẩn, bao gồm cả làn điệu nguyên gốc và làn điệu cải biên phát triển đã phổ biến như các làn điệu gốc (“Giận Thương” của Nguyễn Trung Phong, “Hát khuyên” của Thanh Lưu, “Hò bơi thuyền” của Lê Hàm….). Còn những bài hát phát triển dân ca được sáng tác cho các vở diễn, dẫu đa dùng hay chuyên dùng, nếu không có khả năng đi vào lòng quần chúng nhân dân thì xin hãy trả về cho sân khấu.
Hai, phải nghiên cứu sự ảnh hưởng của dân ca các vùng, miền khác trong cả nước đối với dân ca Nghệ Tĩnh trong quá trình phát triển của văn nghệ dân gian Việt Nam để xác định đâu là di sản riêng có của xứ Nghệ, đâu là di sản phổ biến của cả nước mà xứ Nghệ cũng có và đâu là di sản của các vùng, miền khác được đưa vào Nghệ Tĩnh đã được “Nghệ hóa”. Trong quan điểm học thuật về dân ca không thể có khái niệm về những làn điệu gọi là “họ lai”.
Ba, cần thống nhất tiêu chí xác định các làn điệu dân ca Ví, Giặm. Cố Phó GS Ninh Viết Giao cho rẳng chỉ có một làn điệu hát Ví phường vải, khi được hát trong các môi trường khác là những biến thể. Nhạc sỹ Lê Hàm cho rằng mỗi cách hát Ví khác nhau là một làn điệu hát Ví. Đối với thể hát Giặm, khi nam nữ hát đối đáp để bày tỏ tình cảm với nhau được gọi là hát Giặm nam nữ, khi một người hát để kể chuyện hoặc giãi bày tâm sự thì có người gọi là Giặm vè, có người gọi là Giặm kể, có người phân ra Giặm và Vè. Từ hai nhóm hát Giặm này cách xác định các làn điệu cũng chưa thống nhất. Thuật ngữ “dân ca Ví, Giặm” có khi được dùng để chỉ dân ca Nghệ Tĩnh nói chung, có khi để chỉ riêng hai làn điệu hát Ví và hát Giặm, cần phải có cách gọi thống nhất để khỏi nhầm lẫn.
Bốn, trong việc bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm phải thấy được mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát triển. Nếu di sản được bảo tồn mà không phát triển thì đó là bảo tồn “chết” trong kho tư liệu. Ngược lại phát triển di sản mà không giữ được giá trị nguyên gốc cổ truyền thì đó là sự phát triển mất gốc làm mất giá trị di sản. Thực tế mấy chục năm khai thác, phát huy kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh cho thấy, rất nhiều làn điệu mới, bài hát mới ra đời nhưng chỉ có một số làn điệu, bài hát được quần chúng nhân dân chấp nhận để bổ sung vào kho tàng các làn điệu gốc. Giáo sư nhạc sỹ Trần Văn Khê đã nói rất chí lý rằng: “Bảo tồn vốn cổ là rất cần thiết nhưng làm phong phú vốn cổ còn cần thiết hơn”.
Năm, không chỉ bảo tồn các làn điệu nguyên gốc của dân ca Ví, Giặm mà phải bảo tồn cả môi trường diễn xướng. Phải phục hồi cho được môi tường diễn xướng thật của dân ca Ví, Giặm trong sinh hoạt văn nghệ dân gian của cha ông ngày xưa. Không gian diễn xướng trên sân khấu chỉ là môi trường diễn xướng tượng trưng không phải là môi trường diễn xướng thật cần được bảo tồn. Dĩ nhiên việc phục hồi môi trường diễn xướng thật của dân ca Ví, Giặm là vô cùng kho khăn bởi cuộc sống đương đại quá xa với cuộc sống lao động của cha ông ngày xưa. Nhưng nếu bảo tồn được các làn điệu nguyên gốc mà không bảo tồn được môi trường diễn xướng thì sự bảo tồn ấy cũng chưa trọn vẹn.
Dân ca Ví, Giặm đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và đang làm hồ sơ để được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm mong đợi và tự hào của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng cũng phải đề phòng xu hướng “di sản hóa” dân ca Ví, Giặm; nghĩa là biến dân ca Ví, Giặm thành một tài sản do Nhà nước quản lý, tách rời khỏi đời sống nhân dân. Phải tiếp tục làm cho dân ca Ví, Giặm phong phú hơn, hấp dẫn hơn để đưa vào đời sống nhân dân, nhất là lớp trẻ. Qua thử thách của thời gian, dân ca Ví, Giặm tồn tại và phát triển cho đến ngày nay chứng tỏ cuộc sống đương đại rất cần di sản văn hóa này. Nhiệm vụ của chúng ta là tiếp tục bảo tồn và phát triển dân ca Ví, Giặm cho các thế hệ mai sau ./.
Trần Hồng Cơ (Từ VHNA)
http://nghethuatbieudien.vn/xem-tin-tuc/bao-ton-dan-ca-vi-giam-qua-thu-thach-cua-thoi-gian.html