Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Ngày nay ở thành phố Hồ Chí Minh, quận Tân Bình có một đường phố mang tên Hoàng Xuân Nhị. Còn ở tận đất mũi Cà Mau, những cựu học sinh thời kháng chiến mới xây dựng một trường học mang tên thầy. Tên tuổi của thầy Hoàng Xuân Nhị gắn liền với quá trình hình thành nền văn hóa giáo dục của Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với cương vị là Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến - hành chính Nam Bộ, phụ trách văn hóa - giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục, Giám đốc Viện văn hóa kháng chiến... Sau khi tập kết ra miền Bắc thì hoạt động giáo dục và khoa học của thầy chủ yếu là ở Khoa Ngữ văn (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), suốt từ lúc thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến lúc thầy giã từ cuộc sống (1991).


Đã từ lâu, khi tôi đang học phổ thông cơ sở ở huyện Đức Thọ, tôi được nghe nói về thầy, về dòng họ Hoàng Xuân, một dòng họ nổi tiếng đất Hà Tĩnh quê tôi.

Ở Khoa Văn học, thầy Nhị làm Phó chủ nhiệm bên cạnh Giáo sư Chủ nhiệm Đặng Thai Mai, nhưng phải đến năm thứ 2, tôi mới bắt đầu học môn Văn học Nga thầy dạy. Tuy đã sống ở Pháp, Đức hàng chục năm trời, nhưng cái giọng nói Đức Thọ quê mẹ, thầy vẫn giữ nguyên không lẫn vào đâu được. Thời ấy, niềm háo hức với Cách mạng tháng Mười, với Liên Xô vĩ đại khiến tôi thêm thích thú môn Văn học Nga, qua những tên tuổi vang dội trên văn đàn như Puskin, L.Tônxtôi, Gorky, Sôlôkhôp, N.Oxtrôxki…

Tuy vậy, sau khi tốt nghiệp được phân công làm cán bộ giảng dạy văn học Nga, tôi lại cảm thấy không phấn khởi lắm. Bấy giờ bạn Chu Xuân Diên khá giỏi tiếng Pháp muốn vào Bộ môn Văn học phương Tây, nhưng Diên vốn là học trò cũ của thầy Khánh, nên thầy dứt khoát giữ ở Văn học dân gian, còn bạn Nguyễn Văn Khỏa giỏi Văn học dân gian trào phúng muốn về đó lại không đạt. Riêng tôi tiếng Nga chưa qua 6 cách, còn tiếng Pháp đã được học 14 năm từ lớp Đồng ấu (lớp 1) đến Dự bị đại học, tôi cũng muốn nhảy vào Văn học Pháp, nhưng thầy Nhị lại bảo tôi: "Đồng chí là đảng viên làm Văn học Nga là đúng rồi. Thầy giáo đại học ít nhất phải biết thông thạo 2 đến 3 ngoại ngữ. Tiếng Pháp của đồng chí đã ăn thua gì. Nhà trường sẽ đào tạo các đồng chí thành chuyên gia…". Tôi vừa lo lắng, vừa mừng thầm, chỉ biết theo sự phân công của tổ chức. Sau đó tôi cùng bạn Trương Quang Chế đi học lớp phiên dịch tiếng Nga tại Cục chuyên gia, rồi tiếp tục tự học.

Thầy Nhị đối với chúng tôi thân tình như một người cha bảo ban chu đáo. Thầy thường nói: "Tiếng Nga khó lắm! Mình cũng học suốt đêm. Học ngoại ngữ như leo cột mỡ. Các đồng chí trẻ quá! Thương quá!". Quả thật, bạn Chế mới 21 tuổi, đẹp trai mà hiền lành như con gái chỉ tủm tỉm cười khi phải leo cột mỡ, vì Chế chỉ mới qua loa vài chữ Tàu… Thế rồi hai khoa Văn - Sử lại nhập vào một (1960), thầy Trần Văn Giàu làm Chủ nhiệm. Văn phòng của thầy lại đi qua phòng Văn học nước ngoài. Bấy giờ chúng tôi e ngại thầy Giàu, bởi thầy đã nêu kỷ luật lao động thực hiện đúng "tám giờ vàng ngọc", còn thầy Nhị thường không làm việc ở cơ quan.

Tuy vậy khoảng 4 giờ chiều là chúng tôi ra khỏi phòng, còn phải bát phố, xem phim và vướng theo nhiều thứ linh tinh giữa cuộc sống bề bộn muôn vẻ. Vả lại ngồi suốt 8 giờ nhìn nhau trong căn phòng nhỏ của cơ quan mà nghiền sách, học ngoại ngữ… có lẽ chưa hẳn đã thích hợp.



Thầy Hoàng Xuân Nhị làm Phó chủ nhiệm, rồi liên tục 18 năm làm Chủ nhiệm, nhưng thật ra thầy được dành thời gian chủ yếu cho việc nghiên cứu, viết giáo trình văn học Nga. Đến nhà thầy, lớp trẻ chúng tôi phát sợ lên vì sách. Thầy bảo, hễ ai làm công tác nghiên cứu, giảng dạy đại học mà đêm nào cũng xem phim, xem kịch thì không được, các đồng chí phải cố gắng, phải nỗ lực, thương quá! Bao giờ thầy cũng kết thúc lời khuyên bằng "thương quá!".



Thật sự thầy thương chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế, chiếc xe đạp còn chưa có, ngoại ngữ còn lõm bõm chưa đọc sách Nga được, nên thầy đã tổ chức hàng tuần một buổi xêmina cho các cán bộ trẻ trong bộ môn gồm Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Hải Hà, Trương Quang Chế và tôi. Để có thể tiếp cận với văn bản kinh điển gốc, thầy mang tới lớp cuốn "Mác - Ănghen - Lênin về văn học nghệ thuật" bản tiếng Pháp, Nga, Đức và tiếng Việt, rồi đọc phân tích, đối chiếu từng đoạn, tùng câu, từng chữ. Thầy còn nêu lên những điểm dịch sai của Nhà xuất bản Sự thật (dịch qua tiếng Pháp). Thầy chỉ dẫn cặn kẽ sao cho hiểu thật chính xác nguyên bản kinh điển, nếu nhầm lẫn thì "sai một ly, đi một dặm".



Quả vậy, có những câu dịch sai đến vô nghĩa, cụt đầu, mất đuôi. Đáng buồn hơn là một số người cứ trích dẫn sai hoài thậm chí có khi họ lại còn lấy cái sai đó để phê bình, hành tội người khác. Riêng tôi và bạn Chế cùng sống tại ký túc xá Lò Đúc, mỗi buổi tối đi học về đều cảm thấy thương quý thầy phải đạp xe lóc cóc giữa đêm đông lạnh giá từ Kim Liên tới trường sở - nhà số 7, đường Hai Bà Trưng. Phần chúng tôi lại lo, lo vì thấy ngút ngàn ngoại ngữ và hàng vạn trang sách kinh điển. Biết đến bao giờ mới nắm được mỹ học Mác - Lênin. Trong thời gian không dài, thầy đã viết xong mấy tập giáo trình "Văn học Nga", thầy dịch hàng ngàn trong tác phẩm giá trị từ tiếng Nga. Thầy say mê đọc cho chúng tôi nghe những bài viết về thơ Hồ Chí Minh. Cảm động nhất là lúc thầy đọc thơ Maiacôpxki:



"… Nói đến Đảng



là nói đến Lênin



Nói đến Lênin



tức là nói đến Đảng…"



Như gửi vào những vần thơ xa xôi mà gần gũi ấy nỗi niềm của chính mình, thầy xúc động tận đáy lòng đến chảy cả nước mắt. Đặc biệt là lúc thầy đọc những vần thơ "Chinh phụ ngâm" bằng tiếng Pháp, mà thầy đã dịch và xuất bản ở Paris, thêm lời tựa của nhà thơ nổi tiếng Paul Valéry. Hầu như thầy thuộc phần thơ Pháp hơn là bản Đoàn Thị Điểm. Nghe thầy ngâm, tôi cũng được truyền cảm lây lan, thích thú, có lúc tôi còn nhắc thầy mấy câu tiếng Việt, bởi tôi đã học thuộc lòng "Truyện Kiều" và "Chinh phụ ngâm" để lấy điểm 10 lúc còn học lớp nhất tiểu học. (Sau khi Nhật đảo chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hoàng Xuân Hãn đã ra lệnh Việt hóa tất cả các môn học. Với tôi, đó cũng là dịp may hiếm hoi đã đem lại lợi ích cho việc dạy Văn sau này).



Tôi nhớ rõ, hơn một lần thầy giới thiệu bản "Chinh phụ ngâm" bằng tiếng Pháp cho cán bộ trong Khoa, thầy say sưa đọc, dường như được thăng hoa tưởng nhớ về một thời trai trẻ đầy thơ mộng trên đất nước người, song vẫn là một tính cách dồi dào bản sắc dân tộc muốn giới thiệu nền văn hóa Việt Nam với bạn bè trên thế giới. Sau này, tình cờ vào năm 1997, tôi gặp một giáo sư Pháp đến Hà Nội dự hội nghị quốc tế Francophone, bấy giờ tôi có làm một góc Văn học so sánh, nên sau buổi trao đổi chuyện trò, ông đem tặng tôi cuốn sách nhan đề: "Văn học Việt Nam bằng tiếng Pháp" trong đó tập thơ "Chinh phụ ngâm" do Hoàng Xuân Nhị dịch chiếm một vị trí đáng kể bên cạnh "Truyện Kiều" của thi hào Nguyên Du qua bản dịch của Nguyễn Khắc Viện… cùng một số tác phẩm khác.



Con đường giã từ nước Pháp, nước Đức của thầy trở về Tổ quốc, về Nam Bộ rồi bí mật trốn ra bưng biền tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp vào năm 1946 là con đường chính trị đã được các bậc trí thức yêu nước tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc khai phá - đó là con đường học để phụng sự vô điều kiện sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Nhiều trí thức cùng thời với thầy như GS. Trần Đại Nghĩa, GS. Lê Văn Thiêm… đã không hề ngần ngại chọn con đường như vậy. Họ đến Pháp để học bởi vì Pháp "giỏi" hơn "An Nam", chẳng thế mà khi Đức thắng Pháp thì họ lại nước Đức để học cái giỏi của người Đức. Một thứ triết lý giản dị nhưng lại là điều mà rất nhiều trí thức Việt Nam yêu nước hồi đó lựa chọn. Trong số bạn bè thầy kể, có cả Ngô Đình Nhu, nhưng ông này đi ngược lại bánh xe lịch sử, phản lại sự nghiệp giải phóng dân tộc để rồi tự mình chuốc lấy kết cục thảm hại.



Vẫn một tấm lòng gắn bó với đất nước, với nguồn mạch văn hóa - văn nghệ dân tộc, sau khi đã hoàn thành bộ giáo trình dày dặn về Văn học Nga - Xô Viết, thầy Nhị đã chuyển sang nghiên cứu Lý luận và văn học Việt Nam. Thầy giảng chuyên đề Thơ văn Bác Hồ, viết nghiên cứu về tập "Nhật ký trong tù". Những nỗ lực ấy đều muốn góp phần cống hiến của mình vào việc xây dựng nền văn nghệ Việt Nam hiện đại.



Nhiều thế hệ cán bộ giảng dạy và sinh viên Khoa Văn học đều tìm thấy ở thầy hình ảnh của một giáo sư giản dị, tận tình với học trò, đối xử với mọi người chân thành, thật thà, nhân hậu, một nhà khoa học chân chính giữ đời thường. Đặc biệt, niềm say mê nghiên cứu, nếp làm việc bền bỉ, liên tục khiến lớp trẻ khâm phục, noi gương thầy. Những năm sơ tán trên đất Bắc Thái, hoàn cảnh khó khăn, điện không có, thầy vẫn luôn luôn chong đèn, thức khuya viết sách. Hơn nữa, vợ thầy - bà Niệm (là cán bộ đi học cùng lớp Văn khóa I) sau khi sinh con đã lâm bệnh nặng, sức khỏe sa sút, nên mọi việc trong gia đình từ chuyện cơm gạo, dầu đèn, tương cà, mắm muối đều do một mình thầy đảm đương (mừng là hai con trai lớn lên đều học giỏi, về sau đều là tiến sĩ ở nước ngoài).



Tôi nhớ rõ, 5 năm sơ tán trên đất Đại Từ, thầy đã trồng nhanh được một cây khế trĩu quả, cạnh ngôi nhà tranh vách nứa thấp lè tè bên bờ suối Đôi, mà chính tôi đã được vợ thầy tặng cho mấy quả lúc đến làm việc cùng thầy, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh ông đồ xứ Nghệ tha phương truyền dạy chữ thánh hiền như những ngày xa của ông nội tôi. Trong hoàn cảnh vất vả ấy, thầy vẫn tràn đầy nghị lực, không ngừng say mê nghiên cứu, viết và dịch sách. Sức làm việc của thầy thật đáng nể trọng. Chỉ khoảng trên dưới 5 năm, từ năm 1957 đến năm 1962 thầy đã hoàn thành bộ giáo trình "Văn học Nga thế kỷ XIX" gồm 5 tập và 2 tập chuyên luận về M. Gorky và Maiacôpxki… Quả thật GS. Hoàng Xuân Nhị là người có công đầu trong việc mở đường, giới thiệu, giảng dạy, nghiên cứu nền Văn học Nga và Nga - Xô Viết đồ sộ, phong phú một cách hệ thống, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển của dòng văn học hiện đại Việt Nam, đồng thời mở rộng việc đào tạo một lớp cán bộ kế cận.



Riêng phần dịch thuật, thầy Nhị cũng có nhiều cống hiến đáng quý: Chỉ gần 2 năm từ cuối 1960 đến đầu 1962 mà thầy đã dịch xong 4 tập "Nguyên lý mỹ học Mác - Lênin" của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, dịch cuốn "Những phạm trù mỹ học" của Bôrep khá dày. Nhà xuất bản Sự thật đã cho ra mắt bạn đọc các bộ sách quý ấy góp phần nâng cao trình độ lý luận văn nghệ của đông đảo giới nghiên cứu cũng như sinh viên suốt một thời gian khá dài. Và 2 bản trường ca nổi tiếng của Maiacôpxki: "V.I.Lênin" và "Tốt đấy…" cũng được thầy dịch trực tiếp từ tiếng Nga hết sức cẩn thận. Năm tháng qua đi, bao thế hệ thầy giáo và sinh viên đã trưởng thành từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay đều chung sức xây dựng đất nước, góp phần phát triển các ngành khoa học, trong đó GS. Hoàng Xuân Nhị đã để lại nhiều công trình có giá trị sống mãi với nhà trường đại học và được đơm hoa kết trái qua bao mái đầu xanh tuổi trẻ trên giảng đường cũng như trong cuộc sống…



Nguyễn Trường Lịch [100 Years-VietNam National University,HaNoi

http://www.ducthohatinh.gov.vn/?u=nws&su=d&cid=28&id=213