18.09.2015 Người Hà Tĩnh, Người đương thời
Cánh đây tròn một năm khi được tin cháu Hoàng Nguyễn Minh Phương – sinh năm 2002, học sinh trường chuyên AMSTERDAM – Hà Nội là con gái của nhà báo Hoàng Minh Thảo ( hiện đang công tác tại một kênh nội dung của VOV) và là cháu nội của ông Hoàng Minh Đô ( bí thư Huyện Uỷ Nghi Xuân thời kỳ 1960 -1975) vừa hoàn thành xuất sắc cuộc thi toán học trẻ Quốc Tế IMC tại Hàn Quốc với giải vàng danh giá.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên bí thư Tỉnh Uỷ Hà Tĩnh đã sắp xếp thời gian trong ngày nghỉ cuối tuần để đến thăm hỏi cụ Bà Nguyễn Thị Oanh là góa phụ của ông Hoàng Đô, phần nữa cũng là đến để chia vui, tặng quà cho cháu Minh Phương.
Tôi còn nhớ hôm đó trời cũng mưa nặng hạt, trong căn nhà gỗ ấm cúng của gia đình tại thôn 2, Xuân Phổ đồng chí nguyên Bí Thư Tỉnh Uỷ đã nắm tay cháu Phương thật chặt cùng với ánh mắt trìu mến và tỏ lời khen ngợi những thành công của cháu qua các kỳ thi toán Quốc Tế, góp phần làm rạng danh Tổ Quốc trên đấu trường trí tuệ toán học thế giới và truyền thống hiếu học bao đời nay của con người Quê Hương Hà Tĩnh.
Hôm nay, vùng đất Nghi Xuân trong một ngày trời đất sũng nước bởi những cơn mưa rào cuối hạ, Tôi lại đón nhận một tin vui mới từ số máy điện thoại của nhà báo Hoàng Minh Thảo “ Chú chuẩn bị xuống nhà ở quê uống rượu mừng với anh nhé! Con trai anh đả trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt số điểm thi tuyệt đối trong kỳ thi SAT 1 được tổ chức tại Hoa Kỳ”. Qua tiếng loa điện thoại giữa những trận mưa rào xối xả, Tôi không hỏi thêm được gì nhiều về con trai anh và kỳ thi sát hạch tầm cỡ Quốc Tế này. Chỉ đến khi theo dõi chương trình truyền hình “ Khách mời cuộc sống” của VTV1, tôi mới hiểu ra: Trong khoảng 1,7 triệu thí sinh dự thi SAT 1 hàng năm trên toàn thế giới, tỷ lệ đạt điểm tuyệt đối 2400/2400 là 0,03%. Hầu hết trường đại học hàng đầu ở Mỹ và các nước phát triển khác như Canada, Singapore, Thụy Điển… đều sử dụng SAT 1 như một thước đo sát hạch đầu vào nhằm kiểm tra khả năng suy luận, kỹ năng phân tích và sự nhạy bén trong xử lý tình huống của học sinh. Hoàng Minh Tuệ, sinh năm 1998, là một trong những học sinh xuất sắc của trường chuyên Hà Nội – AMSTRDAM. Tuệ đang giữ 3 kỷ lục thủ khoa đầu của vào trường năm 2009; Giải Bạch Kim cuộc thi toán khu vực Thái Bình Dương năm 2010; Giải nhất cuộc thi Olympic toán Thành Phố Hà Nội mở rộng năm 2012; Tuệ cũng là thí sinh nhỏ tuổi nhất Việt Nam được học bổng toàn phần THPT Assist trị giá 50 ngàn USD/năm tại Mỹ, năm học 2013 -2014. Được nghe Tuệ trao đổi với MC về kỳ thi, về phương pháp học tập, về tiếp cận trí thức bằng ý thức tiết kiệm thời gian và những dự định trong tương lai, Tôi thầm cảm phục về khả năng diễn đạt, sự hiểu biết về các vấn đề về cuộc sống và xã hội, đặc biệt sự thấu hiểu điều kiện bố, mẹ là công chức bình thường, em đã tự rèn luyện. Nhấc máy gọi cho anh Thảo ngay sau khi xem hết chương trình và được nghe anh trãi lòng: Mình cũng tương đối bất ngờ với kết quả này, nhưng khi biết điểm tuyệt đối 2400/2400 mà Cháu đạt được qua kỳ thi là sự thật thì cả nhà đều mừng rơi nước mắt, nhất là mẹ cháu! Anh lại nói sẽ đưa hai cháu về quê trong ít ngày nữa.Tôi biết chuyện hàng năm Vợ chồng anh đều đưa con về quê và xem đôi vé tàu như một phần thưởng đối với thành tích học tập của các cháu. Anh thường tâm sự: Mỗi lần về quê các cháu đều được bố dẫn đi tham quan các danh thắng, thăm khu di tích Đại Thi Hào Nguyễn Du, qua đó để các cháu thêm tự hào và gắn bó với quê hương, mảnh đất dù còn nghèo, vất vả nhưng giàu truyền thống văn hóa và hiếu học để phấn đấu.
Bên cạnh ngôi nhà gỗ ba gian ấm cúng của gia đình tại thôn 2, Xuân Phổ, Nghi Xuân là căn nhà cũ nay được tôn tạo lại để thờ cúng ông, bà tổ tiên và chính trong căn nhà này đang được lưu giữ nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của Đảng, Nhà Nước đối với những cống hiến của ông Hoàng Đô và cụ bà Nguyễn Thị Oanh qua các thời kỳ của Cách Mạng. Cùng nhiều đồ vật đặc trưng của một gia đình nông thôn thời trước như: Cối xay lúa, nơm bắt cá, lưỡi hái gặt lúa, rỗ rá…Theo anh những vật dụng này luôn được Tuệ và Phương thích thú trong những chuyến về quê bởi hai Cháu luôn nhớ đến những câu chuyện kể lại về ông, bà nội chúng nó đã phải trải qua những năm tháng cuộc đời như thế nào để vừa tham gia hoạt động Cách Mạng vừa phải lam lũ với đồng áng để nuôi con khôn lớn trưởng thành. Những kỷ vật thiêng liêng này đã gắn bó với tuổi thơ của Tuệ và Phương, vun đúc trong tâm trí các cháu những nét đẹp truyền thống của văn hóa của gia đình, quê hương. Tôi vẫn nhớ đã có lần anh tâm sự “ Chúng tôi luôn định hướng cho các cháu phát triển tự nhiên, biết sử dụng năng lực và vốn kiến thức của bản thân cho tương lai và giữ nguyên những nét đẹp văn hóa bền lâu trong cuộc sống”.
Hồng Quang – Đức Đồng/ Nghi Xuân